Du lịch chậm: Khám phá và thư giãn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với phong cách sống chậm giúp tận hưởng trọn vẹn từng giây phút của cuộc sống đang được nhiều người ủng hộ, xu hướng du lịch chậm cũng rất được chú ý. Đi du lịch một cách chậm rãi, khám phá mọi ngóc ngách, tận hưởng chuyến đi… là điều được hướng đến trong năm nay. Đặc biệt, các tour du lịch chậm được xem là rất phù hợp với người cao tuổi.

U80 vẫn… đi du lịch


Với mục tiêu du lịch chậm để thư giãn, đồng nghĩa với số lượng khách từng đoàn không quá đông, điểm tham quan và dịch vụ mang tính thư giãn, nghỉ dưỡng, lịch trình di chuyển thong thả, phù hợp sức khỏe, nơi lưu trú không quá xô bồ, hướng dẫn viên tận tâm..., tour dành cho người lớn tuổi của các công ty du lịch trong tỉnh đang mang lại nhiều cơ hội trải nghiệm cho người cao tuổi.

 

 Du khách tham quan chùa Minh Thành (TP. Pleiku). Ảnh: đức thụy
Du khách tham quan chùa Minh Thành (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt, cho biết: Không đặt tên tour là du lịch chậm, song lâu nay Công ty vẫn thường xuyên nhận tổ chức tour kiểu này cho người lớn tuổi. Mới đây, tháng 7-2016, Công ty vừa tổ chức một tour đến các điểm du lịch phía Bắc (Sa Pa-tỉnh Lào Cai, Điện Biên Phủ-tỉnh Điện Biên) cho một đoàn khách gồm 6 người, tuổi từ 60 đến 80 tuổi. Do điều kiện sức khỏe nên đoàn di chuyển bằng cả xe khách và máy bay. Nhịp độ di chuyển chậm lại, số điểm đến giảm xuống, sáng đi chiều nghỉ hoặc mỗi ngày chỉ đi tối đa 2 điểm đến để đảm bảo sức khỏe cho du khách, đồng thời tạo cơ hội cho cả đoàn trải nghiệm những nét đặc sắc về cảnh trí, văn hóa của vùng đất Tây Bắc. Công ty còn chu đáo bố trí mang theo cả… xe lăn phòng khi khách cần đến. “Những lưu ý khi bắt đầu lịch trình là xe cần chạy chậm, thiết kế dinh dưỡng phù hợp, linh động, có riêng 1 người phục vụ đẩy xe lăn… Đa số các điểm đến mang tính thư giãn, nghỉ dưỡng, chữa bệnh… Nhiều người còn đặt tour cho cha mẹ đi Singapore khám bệnh”-ông Hải trao đổi thêm một số thông tin.

Chuyến du lịch đến đảo Bình Ba, một điểm đến nổi tiếng của TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) vào tháng 6-2016 có lẽ là một tour rất đáng nhớ đối với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Niềm Vui Việt (Vietjoy Tourist), do đoàn khách tổng cộng 40 người mà có đến quá nửa là… U70. Anh Hoàng Phương-Giám đốc Công ty, cho hay, do đoàn có nhiều người lớn tuổi, việc tổ chức tour phải cẩn trọng, kỹ càng nên anh đã đích thân đưa đoàn đi, làm luôn nhiệm vụ hướng dẫn viên. Trước đó, Công ty đã nắm rõ tiền sử bệnh của các cụ, thông tin liên hệ cần thiết… Vừa đến đảo, đoàn đã được đưa đến nơi lưu trú yên tĩnh, tránh xa những địa điểm ồn ào như quán bar, karaoke… Dinh dưỡng cho những thực khách đặc biệt này cũng được hết sức chú trọng. Theo anh Hoàng Phương, đa số các tour du lịch chậm của Công ty thường hướng đến những nơi nghỉ dưỡng như Vinpearl Land (Nha Trang), Mũi Né (Phan Thiết), Đà Nẵng…; những địa điểm hành hương như La Vang (Quảng Trị), Trà Kiệu (Quảng Nam), miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang)… Cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa cũng được xếp vào nhóm tour này, như về thăm các chiến tích ở Quảng Trị, Pleiku, Kon Tum (Đak Tô, Tân Cảnh)…

Khá hài lòng về chuyến đi tour thăm các tỉnh miền Tây như Long An, Bến Tre, Cần Thơ gần đây, bà Nguyễn Thị Như Xuân, 84 tuổi (đường Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) nhận xét: “Chuyến đi rất hay, còn hướng dẫn viên thì rất nhiệt tình, chu đáo, quan tâm đến sức khỏe khách lớn tuổi trong đoàn…”.

“Chậm nhưng ngấm sâu, nhớ lâu…”

 

Du lịch một cách chậm rãi để khám phá và thưởng thức điểm đến đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. Ảnh: D9.T
Du lịch một cách chậm rãi để khám phá và thưởng thức điểm đến đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. Ảnh: Đ.T

Với một số người, đi du lịch với tốc độ chóng mặt cho phép tiết kiệm chi phí và di chuyển được nhiều nơi, song lại có quá ít thời gian để thư giãn, tìm hiểu nhịp sống bản địa-vốn là điều thú vị nhất của những chuyến đi. Vì thế, tự tổ chức các tour du lịch chậm đang trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Với bạn trẻ Võ Tình Phút, 20 tuổi (xã Ia Tô, huyện Ia Grai), những chuyến du lịch chậm đến các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là miền biển, luôn là lựa chọn hàng đầu. Từ quan điểm hết sức hiện đại của cha mẹ khi động viên: “Con tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Hãy cứ làm những điều con muốn”, Phút đã trải nghiệm cuộc sống bằng nhiều cách, bằng những tour du lịch một mình. Đơn cử, tháng 5-2016 vừa qua, Phút chọn đến thăm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và ở lại đến 10 ngày, thăm thú các địa chỉ du lịch, khám phá mọi ngóc ngách trên hòn đảo này, kết thân với người dân địa phương và sống đời sống thực thụ của một ngư dân đánh cá bằng xuồng nhỏ, thuyền thúng. Trước đó, Phút cũng có chừng ấy thời gian “đóng vai” ngư dân đi biển câu mực với người dân ở Nha Trang (Khánh Hòa). “Những chuyến đi như vậy cho ta những trải nghiệm về cuộc sống nơi ta đến, sự chân thành, hiếu khách của người dân địa phương”-Võ Tình Phút chia sẻ.

Và đây là giãi bày của bạn trẻ Nguyễn Thị Ngọc Thủy, tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cách đây 2 năm, đã đi làm và rồi quyết định “gác kiếm” đi du lịch một thời gian để trải nghiệm: “Nếu chỉ đơn thuần là đi để ngắm cảnh, ăn thử đặc sản thì mình đã làm điều đó cách đây 3 năm rồi, hồi còn đạp xe xuyên Việt cùng bạn bè. Hiện giờ, mình nghĩ  du lịch chậm sẽ là xu hướng mới mà mọi người dần dần hướng tới, thay cho việc đi để “lấy thành tích”. Đó sẽ là những chuyến đi dài hoặc ngắn nhưng cảm nhận được cả cảnh đẹp và con người nơi đó. Sống chậm, du lịch chậm nhưng ngấm sâu, nhớ lâu…”.

5 tháng trước, từ Hà Nội vào tới Quảng Ngãi thì Thủy “bẻ cung” lên khám phá Tây Nguyên. Thủy cho biết, hiện cô đang lưu lại Lâm Đồng, chuẩn bị quay về Pleiku rồi xuống Quy Nhơn, tiếp tục cung đường ven bờ biển. Cứ mỗi điểm đến Thủy lại dừng chân chừng 10-15 ngày. Cô bạn cá tính này gọi hành trình của mình là “Những ngày đi lạc khắp muôn nơi”. Đến Gia Lai, lưu lại Pleiku đúng 1 ngày thì Thủy dành tiếp hơn 10 ngày vào Ia Drăng (huyện Chư Prông) thăm người quen và… cùng đi làm rẫy cà phê. Khoảng thời gian này đã cho Thủy những cảm nhận thật đáng nhớ: “Không sôi động như Buôn Ma Thuột, không lãng mạn như Đà Lạt, Pleiku đủ bình yên cho ai muốn kiếm tìm. Còn ở Ia Drăng, nơi đó cũng rất bình yên, rất đẹp, nhất là những rừng cao su đều tăm tắp, những rẫy cà phê xanh mướt, những trụ tiêu đúng độ trổ hoa. Thích nhất là ngắm hoàng hôn trên đồi cao su mới trồng, thật sự rất thú vị…”. Rời Ia Drăng, Thủy còn để lại một lời hẹn dễ thương trên trang facebook cá nhân: “Hẹn một mùa khô nào đó ta sẽ cùng nhau hái cà phê, cùng nhau thả diều, cùng nhau nhấp ly đen nhiều sữa nhiều đá, ngắm hoàng hôn rực rỡ tráng lệ vàng rực đổ xuống đồi cao su mới trồng trải dài tít tắp đến tận chân trời…”.

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.