Dự án 72 tỉ đồng ở Đắk Lắk: 'Chậm khắc phục sẽ chuyển cơ quan điều tra'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định sẽ chuyển hồ sơ sang công an để điều tra nếu Sở NN-PTNT tỉnh này chậm khắc phục các thiếu sót tại dự án cấp nước tưới có vốn đầu tư 72 tỉ đồng.
“Bất tuân” chỉ đạo của UBND tỉnh?
Ngày 18.6, một nguồn tin của Thanh Niên cho biết, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã ký văn bản chỉ đạo về việc xử lý kiến nghị của Sở NN-PTNT (chủ đầu tư) liên quan đến những thiếu sót tại tiểu dự án cấp nước tưới cho cây cà phê ở thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, H.Cư M’gar (dự án cấp nước thôn Tiến Cường).
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Sở NN-PTNT căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu, thực hiện sớm việc khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết tại dự án cấp nước thôn Tiến Cường, đưa công trình vào sử dụng trước ngày 30.6.2022. “Nếu quá thời hạn trên mà vẫn chưa thực hiện khắc phục theo quy định của pháp luật thì UBND tỉnh sẽ giao Công an tỉnh chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, xử lý theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật”, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk nêu rõ.

Dự án cấp nước thôn Tiến Cường vẫn còn
Dự án cấp nước thôn Tiến Cường vẫn còn "đắp chiếu" sau hơn 2 năm thi công. Ảnh: Hoàng Bình
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh này làm việc với các đơn vị: tư vấn, thẩm định, thiết kế, giám sát, thi công liên quan tại dự án cấp nước thôn Tiến Cường nhằm thống nhất phương án, kinh phí khắc phục các thiếu sót, tồn tại.
Tuy nhiên, Sở NN-PTNT Đắk Lắk không tổ chức làm việc, không thiết lập văn bản làm việc với các đơn vị liên quan, mà lấy ý kiến bằng văn bản dẫn đến việc chưa có sự thống nhất giữa các bên.

Nhiều ống nước bị vỡ phải đào bỏ, xử lý tại dự án cấp nước thôn Tiến Cường. Ảnh: Hoàng Bình
Nhiều ống nước bị vỡ phải đào bỏ, xử lý tại dự án cấp nước thôn Tiến Cường. Ảnh: Hoàng Bình
“Việc chậm thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh nếu làm ảnh hưởng đến tiến độ khắc phục các tồn tại, khuyết điểm của dự án thì Sở NN-PTNT phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật về nhiệm vụ được giao”, trích văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk.
Nhiều thiếu sót từ thiết kế đến thi công
Theo các tài liệu thu thập được, vừa qua Sở NN-PTNT Đắk Lắk đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk bố trí thêm 3,2 tỉ đồng để bổ sung 4 hạng mục nhằm đảm bảo ổn định cho công trình tại dự án cấp nước thôn Tiến Cường. Tuy nhiên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã không chấp nhận đề nghị này vì dự án chưa nghiệm thu, công trình đang thực hiện theo hợp đồng đã ký.
Như Thanh Niên đã phản ánh, dự án cấp nước thôn Tiến Cường có tổng mức đầu tư 72 tỉ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một phần vốn đối ứng của tỉnh Đắk Lắk, do Sở NN-PTNT Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Công trình đầu mối của dự án đến nay chưa thể hoạt động. Ảnh: Hoàng Bình
Công trình đầu mối của dự án đến nay chưa thể hoạt động. Ảnh: Hoàng Bình
Dự án khởi công cuối năm 2019, dự kiến đến tháng 7.2020 cơ bản hoàn thành và được nghiệm thu có điều kiện để chạy thử. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thử, dự án liên tục xảy ra tình trạng vỡ ống nước. Đến nay, dự án vẫn “đắp chiếu” vì chưa khắc phục được các sự cố.
Theo kết luận của đoàn kiểm tra 3465 (được UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thành lập vào tháng 12.2021), dự án trên có hàng loạt thiếu sót từ hồ sơ khảo sát, thiết kế cho đến khâu thẩm định hồ sơ, tư vấn giám sát và cả trong thi công xây dựng.
Đoàn kiểm tra nhận định nguyên nhân dẫn đến việc vỡ ống, rò rỉ nước tại dự án trên là: “Do tính toán thiếu sót của thiết kế, cộng thêm việc thi công không đúng theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Tuy nhiên, trong trường hợp thi công đúng với thiết kế được duyệt ban đầu, công trình cũng không thể đưa vào vận hành khai thác đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng”.
Theo Trung Chuyên - Hoàng Bình (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

Hỏi cây K'nia

Hỏi cây K'nia

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, người có vốn hiểu biết đáng nể về Tây Nguyên, vừa gặp tôi và than: "Em đang tìm làm một vệt clip về cây K'nia mà giờ khó tìm quá, hầu như đã hết".

null