(GLO)- Bạn sẽ khởi nghiệp như thế nào bằng số vốn 10 triệu đồng? Số tiền này có đủ để một gia đình thanh niên thoát nghèo, có đủ để ai đó nuôi lớn ước mơ làm giàu? Câu trả lời là “Có”. Và, đồng hành cùng hoài bão ở mỗi người trẻ là nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) cùng chỗ dựa vững vàng là các tổ chức Đoàn.
Kể đến những ông chủ trẻ khởi nghiệp từ vốn vay của Ngân hàng CSXH nay trở thành những triệu phú nông dân, nhiều nhất có lẽ là ở huyện biên giới Ia Grai. Chỉ 7 năm sau ngày “ra riêng”, vợ chồng trẻ Nguyễn Hữu Khanh và Đoàn Thị Kiều, thôn 6, xã Ia Tôr, huyện Ia Grai đã có một cơ ngơi kha khá: ngôi nhà mới xây trị giá hơn 500 triệu đồng, 2 ha cà phê và 3 ha cao su chuẩn bị thu hoạch, thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Thanh niên giúp dân thu hoạch lúa. |
Nguyễn Hữu Khanh kể: “Hồi mới cưới, hai vợ chồng gần như tay trắng. Với số vốn ít ỏi sau ngày cưới, nhìn quanh chẳng biết đầu tư vào việc gì. May mắn là khi đó, Đoàn thanh niên xã đứng ra tín chấp, chúng tôi được ngân hàng CSXH huyện cho vay 10 triệu đồng, giúp chúng tôi xoay xở trong giai đoạn khó khăn khi mới ra ở riêng”.
Đầu tư toàn bộ tiền mua 5 sào đất trồng cà phê, thời gian của vợ chồng trẻ gần như dành trọn trên những luống cày, dưới mỗi gốc cà phê. Thành quả là liên tiếp những năm được mùa, được giá đã giúp vợ chồng anh có chút của để dành. Không bằng lòng với thành công bước đầu, anh chị tiếp tục mua thêm đất, mở rộng diện tích cà phê và “lấn sân” sang cây cao su.
Toàn tỉnh hiện có trên 11.600 hộ thanh niên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ trên 178 tỷ đồng. Trong đó, Krông Pa là huyện có dư nợ nhiều nhất tỉnh với 40,474 tỷ đồng. |
Ở xã Ia Tôr, có hàng chục gia đình thanh niên hiện có thu nhập 500-800 triệu đồng/năm từ mô hình kinh tế trang trại như Nguyễn Hữu Khanh. Và họ cùng có xuất phát điểm là nguồn vốn vay từ ngân hàng CSXH. Anh Vũ Tiến Vang-Bí thư đoàn xã Ia Tôr cho biết: “Đoàn xã chúng tôi hiện nay có 383 hộ gia đình thanh niên được ngân hàng CSXH cho vay với tổng số vốn 3,5 tỷ đồng, đầu tư chủ yếu vào chăn nuôi bò sinh sản, nuôi heo, trồng cà phê, cao su… Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình. Bên cạnh đó, các mô hình kinh tế đã tạo việc làm cho nhiều thanh niên tại địa phương”.
Theo thống kê, dư nợ ủy thác do Huyện đoàn Krông Pa quản lý là 40,474 tỷ đồng, với gần 2.500 hộ thanh niên được vay. Bí thư Huyện đoàn Trịnh Thanh Khiết cho biết: “100% hộ thanh niên nghèo được vay vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”.
Nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã trở thành bạn đồng hành của hàng ngàn thanh niên từ nhiều năm nay. Từ số tiền này, nhiều thanh niên thoát nghèo. Cũng chừng ấy số vốn, có người nhanh nhạy đầu tư mở rộng sản xuất, trở thành chủ trang trại, doanh nghiệp với thu nhập cao. Tuy nhiên, với số vốn vay giới hạn 10-15 triệu đồng/hộ thanh niên so với giá cả thị trường như hiện nay là quá ít để giúp một thanh niên khởi nghiệp.
Vì thế, anh Trịnh Thanh Khiết kiến nghị: “Ngân hàng CSXH nên mở rộng nguồn vốn vay cho thanh niên để họ có thể đầu tư vào những lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn nhiều hơn. Nếu được vay số vốn cao hơn, tôi tin họ sẽ đầu tư hiệu quả và có cơ sở vững vàng để thực hiện trách nhiệm với Ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng nên tạo cơ chế mở, cho vay vốn đối với những thanh niên độc thân. Nhiều người có ước mơ làm giàu, có kế hoạch, đề án kinh doanh cụ thể nhưng vì họ chưa tách hộ và không phải hộ nghèo nên vẫn không được vay vốn. Nếu được tạo điều kiện tốt, tôi tin rằng những phong trào phát triển kinh tế của thanh niên sẽ làm thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn”.
Nguyên Bình