Đối thoại để tháo gỡ vướng mắc cho phụ nữ vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 6-10, gần 150 hội viên, phụ nữ của huyện vùng sâu Kông Chro đã có buổi đối thoại trực tiếp, thẳng thắn với Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai và cấp ủy, chính quyền huyện. Với tinh thần cởi mở và thẳng thắn, nhiều vấn đề nổi cộm trong phong trào phụ nữ ở địa phương đã được tháo gỡ kịp thời.
Nhiều vấn đề “nóng” được tháo gỡ
Mở đầu buổi đối thoại, chị Đinh Thị Bích-Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Krêy-trăn trở: “Hiện nay, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra, chủ yếu rơi vào lứa tuổi học sinh THCS. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, ngăn chặn vẫn còn mang tính hình thức nên hiệu quả mang lại chưa cao. Ngành Giáo dục có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này?”.
Giải đáp vấn đề trên, ông Nguyễn Chí Thanh-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kông Chro-cho biết: “Trong năm học 2019-2020, toàn huyện có 28 học sinh THCS lấy vợ, lấy chồng, cao hơn so với các năm trước. Thời gian tới, ngành sẽ tăng cường phối hợp giáo dục, tuyên truyền để ngăn chặn tình trạng này”.
Tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) cũng nhận được sự quan tâm, đặc biệt là trước câu hỏi của chị Siu Quac-Chủ tịch Hội LHPN xã Yang Nam: “Tôi thấy đối tượng bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ. Vậy, tại sao công tác tuyên truyền chỉ dành cho phụ nữ mà lẽ ra đối tượng hướng đến phải là nam giới?”.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hiếu-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-nói: Để giảm thiểu tình trạng BLGĐ, các ban ngành, đoàn thể trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thông qua câu lạc bộ “Nam giới nói không với BLGĐ”, giúp người đàn ông tìm ra cách giải quyết những khó khăn của mình thay vì sử dụng hành vi bạo lực.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện khẳng định: “Phòng-chống BLGĐ không thể thành công nếu không có sự tham gia của nam giới. Vì vậy, chúng ta cần phát huy tổ hòa giải tại cộng đồng để giải quyết sớm các mâu thuẫn. Không loại trừ dùng chế tài để ngăn chặn tình trạng này”.  
Nhiều vấn đề về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em được đặt ra trong buổi đối thoại. Ảnh: Minh Châu
Nhiều vấn đề về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em được đặt ra trong buổi đối thoại. Ảnh: Minh Châu
Vấn đề xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái cũng làm cuộc đối thoại “nóng” lên. Chị Đinh Thị Tru-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Krak (xã Đak Song) cho rằng: “Hội LHPN đã có những biện pháp gì để hỗ trợ, bảo vệ quyền cho phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục?”.
Liên quan vấn đề này, đại diện Ban Xây dựng tổ chức Hội LHPN tỉnh cho biết: Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tư vấn pháp luật, Hội LHPN tỉnh đã thành lập đường dây nóng để hội viên và nhân dân phản ánh kịp thời những vụ việc liên quan. Hội cũng triển khai chương trình ký kết phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh về công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2019-2020. Bên cạnh đó, hướng dẫn các cấp Hội lên tiếng, tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Thành lập và phát huy hiệu quả các mô hình ngay tại cơ sở như: “Địa chỉ tin cậy”, “Phòng-chống xâm hại trẻ em”, “Câu lạc bộ pháp luật”...
Còn chị Đinh Thị Hvơ-Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đak Kơ Ning lại đề cập đến thực trạng đau lòng về đuối nước trẻ em gia tăng trong những năm qua. Trả lời nội dung này, ông Trần Đình Phùng-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Đơn vị sẽ phối hợp với các ngành để tham mưu UBND huyện đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 nội dung đầu tư bể bơi tại trung tâm thị trấn; khuyến khích xã hội hóa xây dựng bể bơi ở các địa phương. Đồng thời, phát động phong trào dạy bơi cho trẻ em, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn giáo viên các trường, phối hợp với ngành Y tế tổ chức tập huấn sơ cấp cứu đuối nước.
Nâng cao hiệu quả hoạt động Hội cơ sở
Buổi đối thoại cũng dành thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, phụ nữ. Đó là những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống hội viên như ý kiến của chị Đinh Thị Điền-Chủ tịch Hội LHPN xã Chơ Long: “Sau khi sáp nhập thôn, địa bàn rộng, số lượng hội viên đông, chúng tôi triển khai sinh hoạt theo tổ phụ nữ, chi hội trưởng đi lại vất vả hơn, nhưng không có chế độ phụ cấp gì thêm. Một số chị em không tha thiết tham gia công tác hội. Hội cấp trên có giải pháp gì để giúp tháo gỡ tồn tại này?”.
Hay vấn đề nâng cao đời sống phụ nữ được chị Đinh Thị Bé-Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đak Tơ Pang đặt ra: “Huyện Kông Chro có hơn 90% người dân sống dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản xuất gặp nhiều khó khăn, mất mùa mất giá. Các ban, ngành của huyện có giải pháp gì để giúp đỡ bà con nông dân và chị em hội viên chúng tôi?”. 
Đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho phụ nữ vùng sâu. Ảnh: Minh Châu
Bà Vũ Thị Bích Ngọc-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh giải đáp những kiến nghị tại buổi đối thoại. Ảnh: Minh Châu
Trước các đề xuất và kiến nghị của hội viên phụ nữ, đại diện các ngành của huyện đã giải đáp trực tiếp ngay tại buổi đối thoại. Một số vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cần nghiên cứu thêm đều được tổng hợp, trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định.
Chủ trì buổi đối thoại, bà Vũ Thị Bích Ngọc-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-nhận xét: “Qua đối thoại, Hội LHPN tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương mới kịp thời nắm bắt, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc phát sinh ở cơ sở để tháo gỡ, giải quyết hoặc nghiên cứu, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh những chủ trương, chính sách chưa phù hợp. Đặc biệt, thông qua đối thoại, chúng tôi có dịp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ để kịp thời chia sẻ, tháo gỡ, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động, giúp phong trào trở nên thực chất hơn”.  
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.