Đổi thay vùng đất Ia Tiêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê, Gia Lai) từng là 'điểm nóng' của tỉnh Gia Lai về ANTT, vượt biên trái phép. Thế nhưng Ia Tiêm hôm nay đã 'thay da đổi thịt', thôn xóm bình yên, kinh tế phát triển.
Xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê, Gia Lai) từng là "điểm nóng" của tỉnh Gia Lai về ANTT, vượt biên trái phép. Thế nhưng Ia Tiêm hôm nay đã "thay da đổi thịt", thôn xóm bình yên, kinh tế phát triển. Ông Cao Văn Truật, Chủ tịch UBND xã Ia Tiêm cho biết: Ia Tiêm có hơn 80% dân số là người dân tộc Gia Rai, nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ đầu tư phù hợp nên cuộc sống bà con ngày nay tương đối ổn định. So với mười năm trước, Ia Tiêm đã đổi khác rất nhiều. Không còn tình trạng vượt biên trái phép hay nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, Ia Tiêm ngày nay khang trang, ANTT ổn định. Nhiều hộ vươn lên phát triển kinh tế, trở nên khá, giàu, góp phần tạo sự phát triển chung cho địa phương.
Những ngôi nhà khang trang mọc lên trên buôn làng trù phú ở Ia Tiêm.
Những ngôi nhà khang trang mọc lên trên buôn làng trù phú ở Ia Tiêm.
Năm 2002, anh Kpă Dó ở làng Lê Ngol bị kẻ xấu kích động, cùng một số người trong làng tham gia bạo động, kéo nhau lên thành phố đòi “lập nhà nước mới”. Sau đó, Dó cùng một người trong làng bị lừa trốn vào rừng theo tổ chức FULRO. Lẩn tránh, chui lủi trong rừng gần một tháng khổ cực, nhớ gia đình, buôn làng, Dó tìm đường băng rừng vượt suối trở về. Ra trình diện chính quyền và hứa không tái phạm, Dó được tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình Dó phát triển diện tích cà-phê, tiêu, sắn. Hiện tại, gia đình Dó là một trong những hộ giàu của làng Lê Ngol với thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm. Từ tấm gương của Dó, nhiều người từng lầm đường lạc lối cũng làm theo, góp phần phát triển kinh tế chung cho địa phương, cũng như giữ được bình yên trong buôn làng.
Ia Tiêm hiện có gần 2.000 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 9%. Thu nhập bình quân đầu người trên 30 triệu đồng/năm. Những con đường đất đỏ năm xưa, nay đã được 100% nhựa hóa, bê-tông hóa. Tỷ lệ người dân có việc làm đạt trên 90%. Nhờ được chính quyền hỗ trợ, Ia Tiêm có 1 hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ia Tiêm đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí.
H.Đ (CAĐN)

Có thể bạn quan tâm