Đổi thay trên quê hương 'Thủ đô khu giải phóng'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cách mạng tháng Tám - cuộc cách mạng của lòng dân, là biểu tượng của đại đoàn kết toàn dân tộc, của tinh thần, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

 

Du khách thăm đình Tân Trào.
Du khách thăm đình Tân Trào.



Cách mạng tháng Tám - cuộc cách mạng của lòng dân, là biểu tượng của đại đoàn kết toàn dân tộc, của tinh thần, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Được chọn là “Thủ đô khu giải phóng” trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang đã có nhiều đóng góp cho thắng lợi của cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc. Phát huy tinh thần cách mạng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đoàn kết, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, bài học về sự đoàn kết toàn dân… vào xây dựng quê hương, tạo diện mạo mới cho tỉnh miền núi vốn còn nhiều khó khăn.

Vùng đất “Thủ đô khu giải phóng”

Tuyên Quang – “Thủ đô khu giải phóng” là nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ở, làm việc và lãnh đạo cách mạng Việt Nam năm 1945, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh dân tộc. Từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp, quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngày 16, 17/8/1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam họp tại đình Tân Trào, đã thảo luận, nhất trí thông qua chủ trương của Việt Minh và cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch. Dưới gốc đa Tân Trào, chiều 16/8/1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội...


 

Ông Nguyễn Văn Mạch, bút danh Phù Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, người đã dày công nghiên cứu về vị trí địa lí và vai trò của Tuyên Quang trong cách mạng tháng Tám.
Ông Nguyễn Văn Mạch, bút danh Phù Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, người đã dày công nghiên cứu về vị trí địa lí và vai trò của Tuyên Quang trong cách mạng tháng Tám.



Tìm hiểu về nguyên nhân Tuyên Quang được chọn làm “Thủ đô khu giải phóng”, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Mạch, bút danh Phù Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, người đã dày công nghiên cứu về vị trí địa lí và vai trò của Tuyên Quang trong Cách mạng tháng Tám. Ông Mạch cho biết: Qua nghiên cứu ông thấy rằng, Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn Tuyên Quang làm “Thủ đô khu giải phóng” do 3 yếu tố: “Thiên thời – địa lợi – nhân hòa”.

Trung tâm của Khu giải phóng năm xưa nằm ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Tân Trào ban đầu chỉ là tên của một xã, sau đó trở thành tên gọi chung của Khu căn cứ. Trước tiên về yếu tố “địa lợi”, căn cứ cách mạng Tân Trào nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Tuyên Quang, có diện tích trên 500 km2, bao gồm các xã liền kề thuộc ba huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa. Căn cứ Tân Trào được chia làm hai vùng: Vùng Đông Nam được coi là vùng trung tâm, địa hình chủ yếu là đồi núi, núi đá lẫn núi đất; vùng Tây Bắc được xem là vùng vành đai, địa hình hiểm trở hơn, nhiều núi đá. Gần 90% căn cứ Tân Trào là rừng núi, xen giữa đồi núi là lũng hẹp được khai phá thành ruộng cấy lúa nước. Bao quanh căn cứ Tân Trào có các dãy núi nối liền nhau tạo nên một phòng tuyến tự nhiên che chắn cho khu căn cứ.

Về giao thông, từ căn cứ Tân Trào có thể đi về nhiều hướng: Ngược lên phía Bắc có thể đi Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang; phía Đông có thể đi đến Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang; phía Nam có thể đi đến Vĩnh Phúc, Hà Nội; phía Tây có thể đi đến Phú Thọ, Yên Bái. Đặc biệt, so với các tỉnh trong khu vực, Tuyên Quang là một tỉnh rộng lớn, không cách xa Trung ương và có dòng sông Lô làm giao thông đường thủy để vận chuyển gạo, muối, các nhu yếu phẩm phục vụ cách mạng…


 

 Cán bộ Ban quản lý khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào đang chăm sóc cây đa Tân Trào.
Cán bộ Ban quản lý khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào đang chăm sóc cây đa Tân Trào.



Nói về yếu tố “nhân hòa” – con người, trước Cách mạng tháng Tám, căn cứ địa Tân Trào có khoảng 2.000 hộ dân, mật độ dân cư thưa và phân bố không đồng đều. Cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số: Cao Lan, Sán Chỉ, Nùng, Dao… trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày. Dưới ách cai trị của bộ máy chính quyền tay sai của thực dân Pháp, đồng bào các dân tộc trong vùng vô cùng cực khổ, nên bà con luôn nuôi ý chí đấu tranh đòi cuộc sống tự do. Đặc biệt, sau khi được giác ngộ, người dân nơi đây tuyệt đối trung thành với cách mạng.

Đến giữa năm 1944, hầu hết các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đều có cơ sở cách mạng. Các cơ sở này đều có liên kết chặt chẽ với nhau và không ngừng phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Phân khu ủy Nguyễn Huệ, ngày 11/3/1945, cùng với các đội tự vệ, đội du kích…, nhân dân ở căn cứ Tân Trào đã tham gia và góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Thanh La. Thắng lợi của khởi nghĩa Thanh La đã tạo nên bước ngoặt hết sức quan trọng: Giải phóng huyện lỵ Sơn Dương (nay là huyện Sơn Dương), thành lập chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trong cả nước. Phát huy thắng lợi của khởi nghĩa Thanh La, Cứu quốc quân và các đội tự vệ tỏa đi các hướng hỗ trợ, lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền mở rộng vùng giải phóng. Sau khởi nghĩa Thanh La, chính quyền cách mạng tiếp tục được thành lập tại các vùng nông thôn khác của tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh: Thái Nguyên, Hà Giang, Yên Bái, Vĩnh Phúc. Thắng lợi của khởi nghĩa Thanh La có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hình thành “Thủ đô khu giải phóng”.

Ông Mạch cho biết thêm: Yếu tố thứ 3 góp phần đưa Tuyên Quang trở thành “Thủ đô khu giải phóng” đó là “thiên thời” – thời cơ. Tình hình quốc tế năm 1945, Hồng quân Liên Xô đã giải phóng nhiều nước Châu Âu và tiến như vũ bão về biên giới nước Đức. Ở Châu Á – Thái Bình Dương, phát xít Nhật thất bại trên các chiến trường từ Trung Hoa đến các nước Đông Nam Á: Indonesia, Thái Lan, Philippines. Phát xít Đức thất bại, Hồng quân sẽ mở mặt trận phía Đông đánh Nhật, thế lực phát xít cuối cùng, kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam lúc này.

Trước tình hình mới, căn cứ địa Cao Bằng được xây dựng từ năm 1941 đã hoàn thành sứ mệnh, cần chuyển trung tâm chỉ đạo đến nơi thuận lợi hơn. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị: Cần chọn địa điểm làm trung tâm chỉ đạo cách mạng. Địa điểm cần hội tụ đủ các điều kiện: Nằm trong căn cứ Việt Bắc, phong trào cách mạng phát triển mạnh, quần chúng giác ngộ cao, địa thế thuận lợi cho cả tiến công và phòng ngự, giao thông thuận lợi, nhất là gần Trung ương mà nhiều đồng chí ủy viên đang ở dưới xuôi. Thực hiện chỉ thị trên, đồng chí Võ Nguyên Giáp bàn bạc với các đồng chí trong Phân khu ủy Nguyễn Huệ và đã chọn làng Kim Long, nay là thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), nơi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra.

Khởi hành từ lán Khuổi Nậm (Cao Bằng) ngày 4/5/1945, trải qua chặng đường trên 400km đường rừng, ngày 22/5/1945, Bác Hồ đến làng Kim Long, nay là thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Từ thời điểm đó, Tân Trào trở thành trung tâm lãnh đạo cách mạng của cả nước. Cuộc hành trình Pắc Bó – Tân Trào là cuộc chuyển dời trung tâm cách mạng từ Cao Bằng đến Tuyên Quang. Hội tụ đầy đủ các điều kiện mà cách mạng đang cần nên Tuyên Quang đã được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn để đảm nhận sứ mệnh “Thủ đô khu giải phóng”.


 

Toàn cảnh làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào.
Toàn cảnh làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào.



Đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc

Mặc dù đã 73 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn Tuyên Quang làm “Thủ đô khu giải phóng”, nơi chỉ đạo cách mạng của cả nước, nhưng bài học về sức mạnh đoàn kết toàn dân vẫn còn nguyên giá trị đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Vận dụng sáng tạo bài học đoàn kết toàn dân vào phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã từng bước đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Tuyên Quang đã có nhiều đổi mới.

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang cho biết: Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, vận dụng tinh thần, ý chí quật cường, bài học về sức mạnh đoàn kết toàn dân của Cách mạng tháng Tám vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương. Điển hình như việc thực hiện Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn với cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống, kinh phí vận chuyển; nhân dân tự hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công lao động, vật liệu, tổ chức thi công, giám sát… Nhờ có sự đồng lòng của chính quyền và người dân nên sau gần 4 năm thực hiện, toàn tỉnh đã bê tông hóa được trên 3.000 km đường giao thông nông thôn; đồng thời đẩy mạnh phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số tiêu chí bình quân lên 12 tiêu chí/xã…, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Đồng chí Chẩu Văn Lâm cho biết thêm: Tuyên Quang là Thủ đô kháng chiến, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, với gần 500 di tích lịch sử gắn với các địa danh tiêu biểu như: Lán Nà Nưa, Đình Tân Trào, Đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào... Tuyên Quang cũng là tỉnh có nhiều dân tộc (22 dân tộc) cùng sinh sống, để phát huy tiềm năng tỉnh đã chọn phát triển du lịch là một trong ba lĩnh vực đột phá từ nay đến năm 2020.

Theo đó, Tuyên Quang tập trung xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh như: Du lịch lịch sử văn hóa Tân Trào, Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội Động Tiên, Lễ hội Lồng tông…; bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa, các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến ATK trên địa bàn tỉnh để phát huy giá trị, khai thác phục vụ du lịch. Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang đầu tư xây dựng các làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng như: Làng văn hóa - du lịch Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; Làng văn hóa thôn Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn; Làng văn hóa thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang…Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tăng cường liên kết vùng để phát triển du lịch; chủ động đẩy mạnh liên kết và phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố, trong đó chú trọng tập trung nâng cao hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” để đa dạng hóa và phát triển thị trường nguồn khách, cũng như thu hút đầu tư và du lịch; tăng cường công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển du lịch…

Song song với đó, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện các khâu đột phá khác: Đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực (chè, mía, cam, chăn nuôi đại gia súc, thủy sản)… Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, với tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt hơn 2.400 USD; trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu hút 1,7 triệu lượt khách du lịch; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 2.300 tỷ đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60%, trong đó đào tạo nghề trên 37%; tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động; tỷ lệ che phủ rừng trên 60%...

 

Vũ Quang Đán (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.