(GLO)- Ở Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX-năm 2016 tổ chức tại Hà Nội, Gia Lai có 2 tác giả là Ngô Thị Thanh Vân và Lê Thị Kim Sơn được mời tham dự. Với riêng Ngô Thanh Vân, đây là lần thứ 3 liên tiếp nhà văn trẻ này được mời dự một kỷ lục trong giới viết văn trẻ Việt Nam. Đây là niềm vui và là sự ghi nhận đối với những nỗ lực, cống hiến của đội ngũ sáng tác trẻ Gia Lai...
Những mầm xanh...
Văn học Gia Lai đang có những bước đi đầy tự tin để khẳng định mình trên “bản đồ” văn chương cả nước. Trong khi những tác giả như Ngô Thị Thanh Vân, Lê Vi Thủy ngày càng tinh tế và sâu sắc hơn trong từng con chữ với độ “chín” của cảm xúc, của bút lực thì Lê Thị Kim Sơn, Tạ Ngọc Điệp, Trương Thị Chung, Nguyễn Vũ Hồng Hà, Nguyễn Quỳnh Như,… lại đang dần định hình cho mình một lối đi riêng. Họ là thế hệ tiếp bước những cây bút “gạo cội” để tạo nên một diện mạo mới, đa dạng hơn, sung sức hơn và táo bạo hơn cho văn chương Gia Lai cũng như cả nước.
Hai tác giả Lê Thị Kim Sơn và Ngô Thị Thanh Vân (hàng đứng, thứ 6 và thứ 7 từ trái qua) dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX-năm 2016. |
Những Ngô Thị Thanh Vân, Lê Vi Thủy, Trương Thị Chung đã mạnh dạn chứng minh bản lĩnh của mình bằng việc trình làng những đứa con tinh thần với công chúng. Ngô Thanh Vân đã xuất bản 4 tác phẩm (3 tập thơ và 1 tập truyện ngắn) đầy tự tin và chững chạc. Chữ của Ngô Thị Thanh Vân tinh mà sâu sắc, nhẹ nhàng mà đầy duyên và đượm màu cuộc sống. Ở cả hai lĩnh vực thơ và văn xuôi, Ngô Thị Thanh Vân đều khá thành công và được ghi nhận bằng những giải thưởng, bằng sự yêu mến của những cây bút có tên tuổi trong văn đàn cả nước. Tác phẩm của chị xuất hiện nhiều trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương, được độc giả đón đợi…
Tác giả Lê Vi Thủy cũng là cây viết trẻ có nhiều thành công. Chị đã kịp trình làng 2 tập sách (1 tập thơ, 1 tập truyện ngắn) và có tác phẩm ở nhiều đầu sách in chung. Thơ Lê Vi Thủy là sự phá cách của những mảng màu, những hình khối. Với giọng thơ hiện đại, chị tạo nên sự chuyển động gấp của cảm xúc trong ngồn ngộn dữ kiện cuộc đời. Những lát cắt bằng hình khối và màu sắc của hội họa được Lê Vi Thủy vận dụng một cách uyển chuyển và tinh tế khiến người đọc có cảm giác ngợp và hụt hơi khi đuổi theo dòng xúc cảm ấy. Thơ Lê Vi Thủy như một cơn mưa đám mây cứ ào qua rồi chợt tạnh. Với văn xuôi, Lê Vi Thủy thao thiết và triết lý, bề bộn và ngổn ngang với “cái tôi đàn bà” phong phú mà phức tạp. Chị mang đến cho người đọc những suy tư sau những “lạnh lùng”, “bất cần” để rồi đau đáu về số phận trước “lệch lạc” của cõi người.
Trương Thị Chung là cây bút xuất hiện chưa lâu nhưng kịp thể hiện mình bằng 1 tập truyện ngắn chỉn chu và xuất hiện nhiều trên báo, tạp chí trung ương. Văn của chị tiếp cận các miền khác nhau của thế giới nội cảm và khai phá sự vươn lên mạnh mẽ để hoàn thiện tâm hồn của con người trong cuộc sống. Những Lê Thị Kim Sơn, Tạ Ngọc Điệp, Nguyễn Vũ Hồng Hà, Nguyễn Quỳnh Như… cũng đang không ngừng nỗ lực sáng tạo và cháy hết mình với đam mê, dần tạo được phong cách riêng cho mình…
Sự rụt rè, ngập ngừng…
Bên cạnh sự dấn thân mạnh mẽ vào những biến động của cuộc sống với nhiều đề tài mới lạ thì một số cây bút trẻ ở Gia Lai cũng đang ít nhiều có dấu hiệu sa vào dòng văn học thị trường. Các nhà văn trẻ hiện nay với nhiều lợi thế, đặc biệt là sự nhanh nhạy trong tiếp cận, khai thác thông tin từ các mạng xã hội nên họ thiếu dần đi kiến thức thực tế. Một số tác phẩm được ra đời bởi trí tưởng tượng mà thiếu vốn sống xã hội, thiếu sự quan sát cũng như sự tinh tế để nắm bắt cảm xúc nên không có giá trị cao về nghệ thuật. Họ còn e ngại, còn bị hạn chế bởi những “vùng cấm văn chương” nên không dám buông cho nhân vật được sống theo chiều hướng phát triển mà ghì/níu theo sắp đặt của mình nên người đọc hụt hẫng, đôi khi khó chịu và truyện trở nên cứng nhắc, đóng khung.
Trong sáng tác của mình, một số cây viết đã buộc nhân vật sống và phát ngôn bằng những lời lẽ do chính tác giả đặt vào. Một số cây bút thì mải loay hoay định hình cho mình phong cách với cái tôi bí bách trong những câu văn kể lể lê thê và gò ép nhân vật, cốt truyện. Có tác giả còn thiếu kinh nghiệm sống và sự tinh tế trong quan sát sự vật, sự việc…
Một số tác giả bỏ những cái gần gũi để bước vào dòng văn chương phố thị, hoặc “ngọng nghịu” trong những tác phẩm về đồng bào dân tộc thiểu số bằng những đại từ “cái/con, mày/tao” gượng gạo. Vài cây bút trẻ Gia Lai mới chỉ diễn tả cảm xúc và suy nghĩ của mình bằng sự tô vẽ mà chưa thực sự để nhân vật của mình và bản thân mình bước ra, dấn thân vào cuộc sống…
...Xuân đang về đầu ngõ. Với văn chương Gia Lai, chúng ta đón đợi và có cơ sở để hy vọng ở những cây bút trẻ sự bứt phá cả về số lượng và chất lượng bằng sự đam mê dấn thân trên cánh đồng chữ nghĩa.
Đông Hòa