(GLO)- Cách TP. Pleiku không xa, mảnh đất Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) được thiên nhiên ưu ái khi mỗi mùa là một bức tranh tinh tế cùng những sắc màu văn hóa độc đáo. Và khi thưởng thức tác phẩm “Đak Đoa ngày mới”, lời thơ Phạm Hồng Điệp, do ca sĩ-nhạc sĩ Y Moan Hmok phổ nhạc, chúng ta có thêm một chuyến du ngoạn bằng âm nhạc đến với miền đất xinh đẹp này.
Là người con của thành phố Cảng Hải Phòng, với đặc thù công việc là một doanh nhân, ông Phạm Hồng Điệp đi rất nhiều nơi. Ngay lần đặt chân đầu tiên đến Đak Đoa, trái tim ông đã rung lên biết bao cảm xúc đặc biệt. “Đak Đoa là nơi mà làm cho con người ta luôn muốn quay trở lại, muốn lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất trong trái tim của mình”-ông Điệp chia sẻ.
Ảnh: Thanh Huyền |
Có lẽ chính những xúc cảm đặc biệt trước vẻ đẹp của thiên nhiên và tình người Đak Đoa đã trở thành chất xúc tác thôi thúc ông Điệp viết lên những câu thơ thể hiện tình yêu sâu đậm của người khách phương xa dành cho vùng đất đỏ bazan đầy nắng gió. “…Về Tây Nguyên em nhé/Vùng đất đỏ thân yêu/Về Đak Đoa em nhé/Thắm đượm tình quê hương”. Bằng ngôn từ giản dị, mộc mạc, dễ nhớ, dễ thuộc, tác giả đã phác họa bức tranh hữu tình về miền đất Đak Đoa ngày mới đầy âm thanh và màu sắc, khiến ai xa rồi vẫn còn mãi nhớ thương. Ông Điệp nhớ lại: “Khi đến Đak Đoa, tôi cảm nhận rất rõ sự thanh bình, những vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, quyện hòa với thành quả lao động cùng những giá trị văn hóa của đồng bào Tây Nguyên. Đây là điều đáng quý, đáng trân trọng. Trước phong cảnh hữu tình, những vần thơ cứ thế tuôn trào, tôi chỉ sắp xếp lại một cách hợp lý và gửi vào đó những gì cảm xúc chân thành nhất. Và, bài thơ “Đak Đoa ngày mới” ra đời, được bạn đọc đón nhận, sau đó thì được ca sĩ-nhạc sĩ Y Moan Hmok phổ nhạc thành bài hát cùng tên”.
Với chất liệu mang âm hưởng đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, ca sĩ-nhạc sĩ Y Moan đã viết lên những nốt nhạc trầm bổng, có giai điệu sôi nổi, vui tươi đậm chất truyền thống kết hợp với hiện đại, phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ âm nhạc của người nghe hiện nay. Theo lời tâm sự của nhạc sĩ, lúc đầu, ông dự định sẽ phối khí với một dàn nhạc đầy đủ có tiếng sáo, tiếng cồng chiêng của người Jrai, Bahnar. Nhưng sau đó, thấy lời thơ đẹp, đọc qua đã cảm nhận được giai điệu nên bắt tay vào viết nhạc ngay.
Và, quả đúng như vậy. Bài hát với giai điệu Tempo 70 đã đem đến cho người yêu thơ nhạc thêm một lần được cảm nhận vẻ đẹp riêng có của mảnh đất Đak Đoa qua con đường âm nhạc: “…Về Đak Đoa ca hát, nơi ngút ngàn sắc xanh, triền cỏ hồng say nắng/Về Đak Đoa vùng đất thiêng liêng hoang sơ hùng vĩ/Rừng núi mênh mông, sông suối đại ngàn/Cỏ hồng mơn man, ngút ngàn đầy nắng gió (...)/Về Đak Đoa em nhé, thắm đượm tình quê hương”.
Có thể khẳng định, nhạc phẩm “Đak Đoa ngày mới” đã gửi đến chúng ta những gì đẹp nhất về tình đất, tình người Đak Đoa nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Và nói như tác giả Phạm Hồng Điệp thì: “Tôi tin rằng, với thiên nhiên tươi đẹp, giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc, độc đáo, Đak Đoa sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tạo nên sự phát triển xanh, bền vững. Đó cũng là thông điệp tôi muốn gửi gắm qua nhạc phẩm này”.
THANH HUYỀN