Độc đáo hương vị hạt kơ nia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bùi, béo và có vị ngọt thanh là điều khiến cho hạt cây kơ nia trở thành mặt hàng được nhiều người ưa chuộng. Từ các khu rừng Tây Nguyên, hạt kơ nia hiện đang được các thương lái thu mua, tuyển chọn và bán lại cho người tiêu dùng khắp trong và ngoài tỉnh.
Khoảng 3 tháng nay, anh Nguyễn Trung Hải (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) thường xuyên vào rừng ở khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) để đi nhặt hạt kơ nia về bán. Thời điểm này là mùa quả kơ nia chín rụng. Anh Hải cho hay: “Nhận thấy nhu cầu sử dụng hạt kơ nia của người dân ngày càng nhiều, mình cùng một vài người quen tranh thủ vào rừng nhặt về bán kiếm thêm thu nhập”. Hạt thô sau khi nhặt về được anh Hải tuyển chọn kỹ, loại bỏ hạt hỏng, sau đó chẻ vỏ lấy phần nhân bên trong. Đây là công đoạn mất rất nhiều thời gian và công sức bởi phần vỏ của hạt kơ nia khá cứng. Vì vậy, trung bình mỗi ngày, một người chỉ chẻ được khoảng 2 kg nhân thành phẩm. Sau khi sơ chế, hạt kơ nia được anh Hải bán với giá 140.000-150.000 đồng/kg. “Hiện tại, lượng khách từ các thành phố lớn, thậm chí các tỉnh phía Bắc đặt hàng đang tăng nhanh. Vì đây là loại hạt của rừng, không hề có chất bảo quản nên được những người theo phương pháp thực dưỡng rất ưa chuộng”-anh Hải cho biết.
 Hạt kơ nia mang hương vị rất riêng của núi rừng. Ảnh: P.V
Hạt kơ nia mang hương vị rất riêng của núi rừng. Ảnh: P.V
Cũng bán hạt kơ nia được hơn 1 năm nay với lượng khách hàng khá ổn định, chị Y Phương (TP. Pleiku) tâm sự: “Ngày xưa, dọc con đường lên rẫy bao giờ cũng có ít nhất một cây kơ nia. Sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi, bà con trên đường về lại làng đều dừng chân ngay gốc cây kơ nia ấy để nghỉ ngơi, trò chuyện. Và lũ trẻ con thường hay nhặt những quả kơ nia chín rụng ở dưới gốc, dùng đá đập dập, bóc bỏ phần thịt quả, tách vỏ hạt và nhấm nháp phần nhân trắng bên trong. Đó từng là một món ăn vặt của lũ trẻ con trong các ngôi làng nghèo khó. Bây giờ, hạt kơ nia lại trở thành một loại thực phẩm được nhiều người yêu thích”.
Quả kơ nia tựa như trái xoan, nhỏ bằng ngón chân cái người lớn, khi chín có màu vàng nhạt và tự rụng. Hạt kơ nia được bao bọc bởi một lớp lụa màu nâu. Khi nhai sống sẽ thấy rõ mùi tinh dầu đặc trưng xông lên mũi cùng vị béo, ngọt trong vòm miệng. “Ngày trước, mọi người vẫn thường nướng hạt kơ nia lên rồi đập vỏ ăn phần nhân bên trong. Bây giờ thì mình thường tách lớp vỏ cứng bên ngoài ra, sau đó rang với muối cho đến khi xém vàng lớp lụa bọc bên ngoài. Lúc này, hạt dậy lên một mùi thơm rất hấp dẫn. Phần nhân cũng trở nên thơm, béo và giòn tan”-chị Y Phương chia sẻ. Không chỉ có hương vị độc đáo, hạt kơ nia cũng được biết đến như một vị thuốc chữa đầy hơi, chống sốt rét.
Chị Y Phương cho hay: “Mỗi khi khách đến nhà, tôi đều lấy hạt kơ nia ra mời dùng thử. Nhiều người rất thích và hỏi mua. Từ đó, tôi liền tìm mối lấy hàng, sơ chế và bán lẻ cho khách. Thường thì khách thích mua hạt sống, khi nào sử dụng mới đem ra chế biến. Cách chế biến thông dụng và nhanh nhất là rang mộc hoặc rang muối”. Cũng theo chị Y Phương, qua thời gian, cây kơ nia ngày càng vắng bóng trong các ngôi làng do bị đốn để đốt lấy than. Loài cây này cũng chỉ cho quả theo mùa nên nguồn hạt đôi khi không cung ứng đủ cho nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết.
Là sản phẩm của loài cây mọc tự nhiên nên hạt kơ nia trở thành một trong những loại thực phẩm sạch được đông đảo khách hàng ưa thích. Rất thích hương vị của hạt kơ nia, chị Nguyễn Thanh Hải (Hà Nội) vẫn thường đặt mua. “Điều thú vị là từ trước đến nay, tôi cứ nghĩ kơ nia là một loài cây chủ yếu có tác dụng che bóng mát chứ chưa từng biết loại hạt này có thể ăn được. Lần đầu tiên được thưởng thức hạt kơ nia, tôi rất bất ngờ vì hương vị của nó không thua kém các loại hạt khác như mắc ca, hạt điều... mà giá cả lại rẻ hơn rất nhiều. Từ đó, tôi vẫn thường hay mua hạt kơ nia để đãi khách hoặc làm quà tặng bạn bè”-chị Hải chia sẻ.
 Phương Vi

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23/6

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23-6

Việc vận hành thử nghiệm đối với các đơn vị hành chính cấp xã được chọn nhằm đánh giá trực quan để rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh nếu có khó khăn, vướng mắc; bảo đảm hoạt động của tất cả 124 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng mới thông suốt, khi chính thức hoạt động từ ngày 1-7.

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

Hỏi cây K'nia

Hỏi cây K'nia

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, người có vốn hiểu biết đáng nể về Tây Nguyên, vừa gặp tôi và than: "Em đang tìm làm một vệt clip về cây K'nia mà giờ khó tìm quá, hầu như đã hết".

null