Doanh nghiệp vận tải "méo mặt" vì giá xăng dầu liên tục "leo thang"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, kết hợp với việc giá xăng dầu liên tục "leo thang" đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải ở Đắk Nông "méo mặt" vì đói khách, thu không đủ chi, thậm chí thua lỗ...
 
Ngành vận tải hành khách chịu nhiều áp lực trước việc xăng dầu tăng giá, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh: Phan Tuấn
Ngành vận tải hành khách chịu nhiều áp lực trước việc xăng dầu tăng giá, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh: Phan Tuấn
Nhà xe Hùng Kiên ở tỉnh Đắk Nông chuyên chạy chuyến cố định Đắk Nông - Hà Tĩnh đã rơi vào cảnh ảm đạm, liên tục bị thua lỗ bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp kết hợp với xăng dầu liên tục tăng giá.
Chia sẻ về hoạt động của nhà xe, ông Trần Đức Mạnh cho biết, trung bình mỗi chuyến xe từ Đắk Nông ra Hà Tĩnh và ngược lại chúng tôi tốn khoảng 30 triệu đồng chi phí như: Xăng xe, tiền ăn uống, tiền công cho tài xế, phụ xe, tiền thu phí...
Thời gian qua, do dịch bệnh, lượng khách hàng không ổn định. Chuyến nào nhiều được 20 khách, có chuyển chỉ được 10 khách với mức giá vé đang được áp dụng như nhiều năm trước. 
"Giá xăng tăng cao, khách hàng thì ngày một ít đi nên doanh nghiệp vận tải chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ. Tuy nhiên, do đăng ký hoạt động chạy theo tuyến cố định và tạo dựng thương hiệu từ nhiều năm nay nên doanh nghiệp vẫn cố gắng cầm cự để hoạt động.
Nếu sắp tới tình hình ngành vận tải không có gì sáng sủa, đơn vị sẽ tính kế hoạch tạm dừng hoạt động hoặc xin tăng giá vé ở mức phù hợp" - ông Mạnh cho hay.
Tương tự, vừa qua, Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh Đắk Nông đã xin điều chỉnh, tăng giá dịch vụ taxi. Thế nhưng, việc điều chỉnh này cũng không theo kịp diễn biến tăng giá của xăng dầu hiện nay.
Ông Lê Văn Việt, Giám đốc Lê Văn Việt, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh Đắk Nông cho biết, toàn đơn vị có 120 xe ôtô hoạt động.
Do tình hình giá xăng dầu tăng cao nên đơn vị buộc phải điều chỉnh tăng giá cước taxi để bù đắp một phần các chi phí trong việc vận hành. Hiện nay, đơn vị áp dụng chính sách không tăng giá mở cửa mà vẫn giữ nguyên là 8 ngàn đồng.
Theo đó, đơn vị chỉ tăng giá cước ở các km tiếp theo từ 12,5 ngàn đồng lên 15 ngàn đồng tương ứng từng loại xe và cự ly di chuyển của khách hàng.
Tuy nhiên, đây là mức giá cước trước thời điểm giá xăng đạt mức trên dưới 30 ngàn đồng/lít tùy loại. Do đó, hiện nay, đơn vị vẫn đang chịu lỗ để duy trì hoạt động kinh doanh. Theo ông Việt, 2 năm nay, tình hình dịch bệnh đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của khách hàng sử dụng dịch vụ vận tải công cộng.
Mặc dù, đơn vị đã đưa ra nhiều biện pháp như tiến hành lắp vách ngăn giữa lái xe và hành khách, khử khuẩn phương tiện trước, trong và sau khi kinh doanh, yêu cầu tài xế đeo khẩu trang suốt hành trình vận chuyển khách...
Thế nhưng, rất nhiều người dân vẫn còn tâm lý e ngại di chuyển bằng các phương tiện công cộng nên số lượng khách hàng đã giảm sút mạnh, làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của đơn vị và lái xe.
Với tình hình giá cả xăng dầu và các mặt hàng tăng cao như hiện nay, Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh Đắk Nông đang tiến hành xem xét, nghiên cứu có tiếp tục tăng giá cước vận chuyển hay không.
Bởi một khi giá cước vận tải taxi tăng cao thì khách hàng sẽ càng ít di chuyển hơn, kéo theo sản lượng khách hàng tiếp tục giảm. Do đó, hiện nay, Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh Đắk Nông đang "cắn răng" chịu lỗ chờ đợi đến khi hoạt động vận tải công cộng "sống lại" như trước đây. 
Chi phí xăng dầu chiếm tỷ lệ từ 30-35% cơ cấu giá cược vận tải. Tuy nhiên, theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông, trong bối cảnh xăng dầu tăng giá cao kỷ lục như hiện nay, đơn vị chưa nhận được ý kiến nào của doanh nghiệp về việc đăng ký xin điều chỉnh tăng giá cước vận tải hành khách.
Các đơn vị vận tải vẫn đang "án binh bất động" theo dõi diễn biến xăng dầu có ổn hay không rồi mới tính toán xin điều chỉnh mức giá phù hợp. 
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm