Doanh nghiệp tại Gia Lai quan tâm bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- “Bên cạnh chú trọng sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã có trách nhiệm hơn trong việc chung tay cùng địa phương bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững”-ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đánh giá.

 

Đầu tư hàng chục tỷ đồng xử lý nước thải

Với tổng diện tích cao su khai thác lên đến 5.200 ha, sản lượng mủ quy khô gần 25 tấn/ngày (cao điểm đạt khoảng 40 tấn/ngày), vừa qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đã đầu tư gần 40 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, chất lượng nguồn nước sau xử lý đưa ra môi trường đạt tiêu chuẩn loại A. Ông Phạm Ngọc Hiển-Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Chế biến-Vận tải (Công ty Cao su Chư Prông) cho biết: “Trước đây, nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty chủ yếu sử dụng hệ thống bể gạn để lắng lọc, xử lý nước thải. Năm 1998, Công ty tiến hành cải tạo hệ thống này nhưng công nghệ cũng đã lạc hậu. Trong khi đó, nhu cầu xử lý nước thải ngày càng lớn, tiêu chuẩn về nguồn nước thải sau sản xuất ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, Công ty có đầu tư dây chuyền chế biến mủ Latex đòi hỏi có sự đồng bộ cao giữa các khâu sản xuất, xử lý chất thải. Do đó, từ tháng 4-2019, Công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý nước thải mới áp dụng công nghệ hiếu khí; trong đó, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động cung cấp trực tiếp thông tin dữ liệu nguồn nước thải sau xử lý, trước khi đưa ra môi trường về Sở TN-MT”.

Khu vực nhà điều hành hệ thống xử lý nước thải mới của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Ảnh: LÊ HÒA
Khu vực nhà điều hành hệ thống xử lý nước thải mới của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Ảnh: LÊ HÒA



Hệ thống xử lý nước thải mới của Công ty Cao su Chư Prông được tự động hóa hoàn toàn, toàn bộ chu trình được xử lý khép kín tự động. Nhờ đó, việc vận hành hệ thống đơn giản và tiết giảm được nhiều nhân công. Trong quá trình xử lý, chất thải bùn lắng được ép lại với công nghệ hút tự động, giúp hạn chế tối đa việc phát sinh mùi hôi. “Hiện nay, mỗi ngày, nhà máy thải ra khoảng 800 m3 nước, dự kiến cao điểm khoảng 1.200 m3. Hệ thống xử lý nước thải mới này có thể đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu”-ông Hiển cho biết thêm.

Tương tự, từ năm 2018, Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Gia Lai-cơ sở 2 (thị xã An Khê) đã đầu tư 14,1 tỷ đồng xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Ông Đinh Phi Hùng-Giám đốc Nhà máy-cho biết: “Với công suất 200 tấn tinh bột/ngày đêm, Nhà máy lại nằm ở trung tâm thị xã An Khê và gần đầu nguồn sông Ba nên chúng tôi đặc biệt chú trọng tới vấn đề bảo vệ môi trường. Hiện nay, công suất xử lý nước thải của hệ thống đạt trung bình 3.200 m3/ngày đêm, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của Nhà máy. Nước thải ra nguồn tiếp nhận đạt cột B-QCVN 40:2011/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải công nghiệp và đạt cột B-QCVN 63:2017/BTNMT quy chuẩn mới về nước thải tinh bột sắn”.

Vì môi trường an toàn và phát triển bền vững

Bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) đánh giá: “Thời gian gần đây, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được nâng cao. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã chú trọng đầu tư hệ thống xử lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm và thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ tiên tiến với kinh phí lên đến vài chục tỷ đồng. Điển hình như: Công ty Cao su Chư Prông, Công ty cổ phần Bò thịt-Bò sữa Cao Nguyên (huyện Mang Yang), Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Gia Lai-cơ sở 2”.

 Khu vực xử lý nước thải của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông được áp dụng công nghệ hiếu khí. Ảnh: L.H
Khu vực xử lý nước thải của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông được áp dụng công nghệ hiếu khí. Ảnh: L.H


Năm 2019 và 3 tháng đầu năm 2020, ngành chức năng toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 56 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 921,2 triệu đồng.

Chia sẻ về trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, ông Võ Toàn Thắng-Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Prông-cho hay: “Trong quá trình sản xuất kinh doanh, Công ty luôn chú trọng đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế và an sinh xã hội, đảm bảo môi trường. Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh tạo ra cơ hội việc làm cho người dân tại các địa bàn đứng chân, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt hệ thống xử lý nước thải để giữ gìn môi trường sống. Thậm chí, Công ty sẵn sàng đầu tư trang-thiết bị hiện đại, đi trước một bước, cho chất lượng nguồn nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại A”.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 257 dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; 8/23 cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn thải lớn đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và kết nối về Sở TN-MT để theo dõi, quản lý. Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết: “Với nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp đã đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán, họ ý thức rất cao về công tác bảo vệ môi trường. Chỉ cần có thông tin tiêu cực, bản thân doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại rất lớn về kinh tế, uy tín. Do đó, phần lớn doanh nghiệp bên cạnh việc sản xuất kinh doanh đều đã chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ lại chưa chủ động vào cuộc, phải đến khi bị phát hiện, xử phạt mới tìm phương án đối phó”.

LÊ HÒA






 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.