Đìu hiu thị trường vật liệu xây dựng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những tháng đầu năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến thu nhập của đại bộ phận người dân giảm sút. Việc xây dựng nhà ở của người dân theo đó cũng hạn chế rất nhiều. Kéo theo đó, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào cảnh đìu hiu hiếm gặp.



Thông thường, từ tháng 3 trở đi là cao điểm của mùa xây dựng. Thế nhưng, do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân nên nhu cầu sửa chữa, xây dựng nhà ở dân dụng giảm rất mạnh. Chị Nguyễn Thị Mai Sen-chủ cửa hàng VLXD Thanh Phong (thôn 2, xã Trà Đà, TP. Pleiku) cho biết: “Nếu các năm trước, từ tháng 3 đến tháng 5, cửa hàng phải đổ VLXD cho khoảng 30 nhà/tháng, nhưng năm nay chỉ khoảng vài nhà. Ước tính doanh số bán hàng giảm đến 60%”. Theo chị Sen, yếu tố thu nhập trong dân, cộng với thị trường bất động sản đang chững lại khiến việc kinh doanh VLXD gặp khó. Những người có ý định xây nhà thì thường tiến hành từ đầu năm nên công trình gần như đã hoàn thiện. Năm nay, cửa hàng cũng không đổ vật liệu cho công trình xây dựng công nghiệp mới mà chủ yếu là công trình cũ của năm trước.

 Các cửa hàng kinh doanh VLXD đang gặp khó khăn vì sức tiêu thụ giảm mạnh. Ảnh: V.T
Các cửa hàng kinh doanh VLXD đang gặp khó khăn vì sức tiêu thụ giảm mạnh. Ảnh: V.T



Khảo sát thị trường VLXD thô cho thấy, giá xi măng đã giảm từ 1,7 triệu đồng/tấn xuống còn 1,64 triệu đồng/tấn; giá sắt giảm từ 13 triệu đồng/tấn xuống còn 12,5 triệu đồng/tấn; cát giảm còn 200 ngàn đồng/m3, đá, gạch xây cũng giảm đáng kể… Riêng hàng vật liệu hoàn thiện và hàng trang trí nội thất xây dựng cơ bản không có biến động, chỉ một vài mặt hàng có mức giảm nhẹ. Theo bà Phạm Thị Luông-chủ cửa hàng VLXD Ngọc Hải (57 Lê Duẩn, TP. Pleiku), mặc dù giá VLXD giảm nhưng do nhu cầu xây dựng trong dân thấp nên việc kinh doanh gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn thành phố, các cơ sở kinh doanh VLXD mở ra rất nhiều nên có sự cạnh tranh lớn, thị phần bị chia nhỏ. Mức tiêu thụ VLXD trong những tháng đầu năm nay ước giảm đến 50%. “Từ tháng 3 là cao điểm mùa xây dựng mà thị trường còn ế như vậy thì những tháng mùa mưa sắp tới sẽ chẳng hy vọng gì nhiều. Trong khi đó, mức lãi từ mặt hàng VLXD ngày càng giảm. Ví dụ, bán 1 tấn xi măng sau khi trừ hết chi phí, cửa hàng lời có 20 ngàn đồng”-bà Luông nói.

Chị Thái Thị Quyên Quyên-đại diện Nhà máy tôn Phú Hòa (thôn 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah) cho biết, thị trường bán lẻ của Nhà máy chủ yếu là ở huyện. Thời gian qua, giá cả hàng nông sản giảm thấp đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của đại bộ phận người dân. Do đó, việc xây dựng mới, sửa chữa nhà ở giảm nhiều. Theo chị Quyên, thường mua bán VLXD chạy nhất là những tháng đầu năm nhưng tình hình không khả quan. Trong khi những tháng sau là mùa mưa, việc kinh doanh sẽ còn ế ẩm hơn.

Mặt hàng trang trí nội thất xây dựng cũng bị ảnh hưởng lớn bởi thị trường VLXD thô. Ảnh: Thảo Nguyên
Mặt hàng trang trí nội thất xây dựng cũng bị ảnh hưởng lớn bởi thị trường VLXD thô. Ảnh: Vũ Thảo



Việc giá VLXD giảm giúp người dân tiết kiệm được một phần chi phí khi xây nhà. Anh Huỳnh Chí Dũng (hẻm 50 Chi Lăng, TP. Pleiku) kể, kế hoạch xây nhà đã được vợ chồng anh tính toán kỹ từ cuối năm trước. Do đó, khi bắt đầu tháng 2 Âm lịch, anh đã tiến hành xây và đẩy nhanh tiến độ, đến cuối tháng 4 Âm lịch là hoàn thiện. “Thời điểm tôi bắt đầu xây nhà, giá VLXD thô giảm so với trước, cộng với giá hàng vật liệu hoàn thiện và vật liệu trang trí nội thất ổn định nên gia đình tôi cũng tiết kiệm được một khoản tiền so với dự toán”-anh Dũng chia sẻ.

Đi cùng với VLXD thô thì các mặt hàng trang trí nội thất như gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, sơn… cũng đang tiêu thụ khá ì ạch. Lý giải về việc đầu ra không ổn định, chủ các cửa hàng VLXD cho biết, thời điểm này, thị trường bất động sản ảm đạm, nhiều công trình thi công tạm dừng, nhu cầu xây nhà trong dân ít do thu nhập giảm… Tuy nhiên, để chủ động trong kinh doanh, các cửa hàng vẫn đảm bảo nguồn cung dồi dào. Theo chủ các cửa hàng, mặc dù tình hình kinh doanh VLXD đang gặp khó khăn vì sức tiêu thụ giảm song họ kỳ vọng thị trường nhà ở dân dụng sẽ có xu hướng phát triển trong thời gian tới, rồi xây dựng công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng khi các chính sách khôi phục, kích thích nền kinh tế phát triển, trong đó có chính sách thúc đẩy vốn đầu tư công thì ngành kinh doanh VLXD cũng có cơ hội tăng trưởng.

 

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.