Từ đề nghị của VKSND tỉnh Đắk Lắk, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Bông đã phục hồi điều tra, đề nghị tạm đình chỉ công tác chủ tịch xã bắt gỗ lậu về biếu cán bộ.
Sáng 26-12, ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, xác nhận UBND huyện vừa công bố quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm.
UBND xã Cư Đrăm nơi có nhiều cán bộ sai phạm trong việc xử lý gỗ lậu |
Theo ông Long, trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Bông đề nghị UBND huyện tạm đình chỉ công tác ông Trung để phục vụ điều tra. Do đó, UBND huyện đã công bố quyết định tạm đình chỉ công tác ông Trung với thời hạn 90 ngày. "Ông Trung bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra liên quan đến sai phạm trong việc xử lý gỗ lậu rồi bị ông Trần Thế Tôn, cán bộ của xã Cư Đrăm tố cáo" - ông Long cho biết thêm.
Trước đó, Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh, tháng 2- 2019, ông Tôn tố cáo ông Trung và một số cán bộ khác bắt gỗ lậu về tẩu tán tang vật, bán và biếu cho cán bộ xã trái quy định. Tháng 7-2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Bông đã ra quyết định không khởi tố vụ án và kết luận: "Hành vi của ông Nguyễn Văn Trung có dấu hiệu của tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng qua điều tra xác định không có yếu tố vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác".
Những tấm gỗ Pơ mu quý hiếm được ông Trung bắt về nhưng theo kết quả điều tra trước đây thì không thu hồi được |
Không đồng ý với kết luận này, ông Tôn đã làm đơn khiếu nại. Một lần nữa, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Bông trả lời đơn cho rằng các vụ việc xử lý gỗ lậu trái quy định của ông Trung "không có yếu tố vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự".
Cho rằng cơ quan công an kết luận không đúng bản chất sự việc, có dấu hiệu bao che, ông Tôn gửi đơn khiếu nại lên VKSND cùng cấp. Kết quả, VKSND huyện Krông Bông cho rằng: "Hành vi của ông Trung có dấu hiệu phạm tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội này và chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự".
Không đồng ý với kết quả điều tra, kết quả giải quyết khiếu nại của Cơ quan CSĐT và VKSND huyện Krông Bông, ông Tôn tiếp tục gửi đơn tố cáo những người liên quan lên Cơ quan điều tra VKSND Tối cao.
Ông Trần Thế Tôn (phải) trầy trật đưa vụ việc ra ánh sáng |
Tưởng chừng vụ việc đã "chìm xuồng" thì tháng 4-2020, VKSND tỉnh Đắk Lắk có văn bản cho biết: "Việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Bông chưa làm hết trách nhiệm để chứng minh, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng trên mà đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự là không có căn cứ pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm" và yêu cầu hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự. VKSND tỉnh Đắk Lắk nhận định hành vi của các ông Nguyễn Văn Trung (Chủ tịch UBND xã), Y Na Êban (Phó Công an xã), Trần Văn Hiếu (Trưởng Công an xã), Y Ha Êban (Xã đội trưởng) đủ yếu tố cấu thành tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Ngoài ra, VKSND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ ra 4 người khác trong thành phần họp Ban Thường vụ Đảng ủy xã Cư Đrăm do có hành vi làm trái quy định nhà nước và có dấu hiệu là đồng phạm với ông Trung về tội: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trước đề nghị của VKSND tỉnh Đắk Lắk, Công an huyện Krông Bông đã khởi tố vụ án, phục hồi điều tra lại.
Bất ngờ nữa là vào tháng 6-2020, tại Đại hội Đảng bộ xã Cư Đrăm, ông Trung tiếp tục được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm nhiệm kỳ mới.
Liên quan đến việc, ông Tôn đã bị UBND huyện Krông Bông cho thôi việc trái quy định 15 tháng. Đến tháng 5-2020, từ chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Tôn được phục hồi lại công việc và được nhận các khoản thu nhập theo quy định trong thời gian bị cho thôi việc trái quy định. |
Theo Cao Nguyên (NLĐO)