Diện mạo mới ở vùng biên Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Đăk Lăk đã đạt được những thành tựu to lớn. Đặc biệt, chương trình đã làm thay đổi một cách đáng kể đời sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Ea Bung về đích
Năm 2011, khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Ea Bung (Ea Súp, Đăk Lăk) mới chỉ đạt 4/19 tiêu chí. Thế nhưng theo kết quả thẩm tra mới đây của Văn phòng Điều phối NTM huyện Ea Súp, các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn xã Ea Bung đã đạt yêu cầu của từng tiêu chí. 
Toàn xã hiện đã nhựa hóa hoặc bêtông hóa 19,4km, đường trục thôn cứng hóa 3,52km đạt 100% kế hoạch; bêtông hóa 40,25/49,91km đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 81%; trường học cơ bản đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo cơ sở vật chất; thu nhập bình quân đầu người đạt 41,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 6,17%...
 
Nhiều tuyến đường tại xã Ea Bung đã được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: P.V
Nhiều tuyến đường tại xã Ea Bung đã được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: P.V
Ông Lê Hồng Hạnh - Bí thư xã Ea Bung cho biết, hiện nay Hội đồng thẩm định NTM cấp huyện đã có tờ trình đề xuất công nhận xã đạt chuẩn NTM trong năm 2020. Nếu được công nhận Ea Bung sẽ là xã đầu tiên đạt chuẩn NTM của huyện Ea Súp.
Lãnh đạo xã cho biết, để đạt được kết quả trên, trong 10 năm qua, Ea Bung xác định muốn thành công trong xây dựng NTM thì điều tiên quyết là phải nâng cao đời sống nông dân. 
Theo đó, xã đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với từng vùng theo hướng chú trọng phát triển sản xuất bền vững dựa trên thế mạnh về nông nghiệp của địa phương. Đồng thời tổ chức sản xuất theo hướng liên kết nông hộ để nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, Ea Bung cũng đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để xây dựng NTM. Đáng chú ý, trong số hơn 50 tỷ đồng huy động được trong 10 năm qua, nhân dân địa phương đã đóng góp tiền mặt, hiến đất, ngày công trị giá 413 triệu đồng.
"Từ khi triển khai xây dựng NTM, thôn xóm đã có sự thay đổi mạnh mẽ, trong đó vui nhất là đường nông thôn được mở rộng, trường học được xây dựng khang trang, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cũng tốt hơn rất nhiều"- chị Đỗ Thị Hằng (thôn 6) phấn khởi nói.
Vượt khó nhờ lòng dân
Cũng như Ea Bung, Ea Rôk cũng là 1 xã vùng 3 biên giới của huyện Ea Súp. Vùng đất cằn cỗi này khi bắt đầu xây dựng NTM chỉ mới đạt 5/19 tiêu chí. Trước những khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận xã Ea Rốk đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM.
Trong quá trình xây dựng NTM, tại Ea Rôk đã có hàng chục hộ dân ở các thôn, buôn hiến hàng ngàn m2 đất; hàng trăm hộ đóng góp ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.
Bên cạnh đó, xã cũng đã huy động 35 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng NTM, vốn 135 và giảm nghèo Tây Nguyên để đầu tư nâng cấp, mở rộng, bêtông hóa 158km đường giao thông liên thôn, giao thông nội đồng; bêtông hóa hơn 30km kênh mương thủy lợi.
Ông Đinh Xuân Đồng - Chủ tịch UBND xã Ea Rôk, cho biết, nhờ sự đồng thuận nhân dân, sự nỗ lực của các cấp ủy đảng và sự hỗ trợ từ các cấp, đến nay xã đã đạt được 12/19 tiêu chí. Toàn xã đã được đầu tư hệ thống lưới điện quốc gia, với 100% hộ gia đình được sử dụng điện và hơn 1.700 người sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. 
Hơn 1.600 hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa; mạng lưới y tế và chợ trung tâm xã đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, hiện xã đang gặp khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện tiêu chí về giao thông và vệ sinh môi trường. Xã rất mong được cấp trên quan tâm hỗ trợ để hoàn thành tốt hai tiêu chí này. 
Theo Văn Long (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm