“Điểm tựa” của phụ nữ bị bạo lực gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2015 đến nay, mô hình “Địa chỉ tin cậy” do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ hỗ trợ kịp thời những phụ nữ bị bạo hành có nơi tạm lánh, động viên, chia sẻ và tháo gỡ bất hòa, mô hình còn giúp chị em bổ sung kiến thức và kỹ năng phòng-chống bạo lực gia đình.
Một buổi sinh hoạt của thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở làng Bút, xã An Thành, huyện Đak Pơ. Ảnh: T.D

Một buổi sinh hoạt của thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở làng Bút, xã An Thành, huyện Đak Pơ. Ảnh: T.D

Bà N.T.H. (thôn Chí Công, xã Cư An) là một trong những trường hợp nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy” của Hội LHPN xã thời gian qua. Bà H. bộc bạch: “Từ năm 2018, chồng tôi bỗng thay tính đổi nết, hay la mắng và đánh đập vợ. Nguyên nhân chính là do chúng tôi đã lớn tuổi mà cuộc sống vẫn chồng chất khó khăn nên ông ấy thường có ý nghĩ tiêu cực. Có khi bị người trong thôn móc mỉa gia cảnh, không làm gì được họ, ông ấy lại về đổ hết lỗi lên đầu tôi. Hồi trước, tôi không dám nói cho ai biết vì sợ bị chê cười. Sau này, tôi biết ở xã có mô hình “Địa chỉ tin cậy” giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành nên tìm đến. Ban đầu là nhờ chị em sơ cứu vết thương ngoài da, sau đó, tôi đến để nhờ các thành viên mô hình hướng dẫn kỹ năng phòng-chống bạo lực gia đình. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, tôi không còn bị bạo hành nữa. Vợ chồng đã vui vẻ làm lụng để phát triển kinh tế gia đình”.

Bà Lưu Thị Phượng-Chủ tịch Hội LHPN kiêm Chủ nhiệm mô hình “Địa chỉ tin cậy” xã Cư An-thông tin: Mô hình được thành lập từ năm 2016 và hiện có 32 thành viên. Khi những nạn nhân bị bạo hành tìm đến sẽ có người nói chuyện để nắm thông tin sơ bộ và sơ cứu vết thương (nếu có). Tiếp theo, các thành viên sẽ trực tiếp đến nhà tuyên truyền, vận động thực hiện Luật Phòng-chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình… Qua những lần như thế, nhiều gia đình đã có sự thay đổi về nhận thức, không để xảy ra bạo hành.

“Trong các buổi sinh hoạt, chúng tôi cũng lồng ghép tuyên truyền về phòng-chống bạo lực gia đình. Còn đối với những vụ bạo lực gia đình mang tính chất phức tạp, chúng tôi phối hợp với chính quyền, các đoàn thể và Công an xã cùng giải quyết. Nhờ vậy mà những năm qua, chúng tôi đã giúp cho 30 trường hợp phụ nữ không còn bị bạo lực gia đình. Hội LHPN xã được Hội LHPN tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện mô hình “Địa chỉ tin cậy” giai đoạn 2017-2022”-bà Phượng cho biết thêm.

Tại làng Groi (xã Ya Hội), dù mới thành lập từ tháng 3-2023 nhưng mô hình “Địa chỉ tin cậy” đang trở thành điểm tựa cho không ít phụ nữ. Chị Đ.T.B. tâm sự: Chồng chị làm nghề lái xe nên thường đi xa. Hồi mới cưới, vợ chồng rất hòa thuận. Sau này, chồng chị hay ghen tuông, cứ rượu vào là chửi bới, có lúc đụng tay đụng chân với vợ. Những lúc như thế, chị muốn về nhà mẹ đẻ nhưng sợ mẹ buồn nên thôi.

“Mình tìm đến mô hình “Địa chỉ tin cậy” để được các chị em san sẻ buồn vui. Nhờ được chị em khuyên giải, chồng mình hiện đã ít bạo hành vợ”-chị B. nói.

Theo chị Đinh Thị Hương-Chủ nhiệm mô hình “Địa chỉ tin cậy” làng Groi: “Từ khi thành lập đến nay, nhờ sự nỗ lực động viên, khuyên giải của các thành viên trong mô hình mà nhiều người đã tự sửa sai, không còn bạo lực gia đình. Trong đó, nhiều cặp vợ chồng định ly hôn do bạo hành gia đình nhưng nhờ được khuyên giải nên rút lại ý định ban đầu”.

Thành viên Địa chỉ tin cậy làng Groi (xã Ya Hội) chăm sóc vết thương cho nạn nhân bạo lực gia đình. Ảnh: T.D

Thành viên Địa chỉ tin cậy làng Groi (xã Ya Hội) chăm sóc vết thương cho nạn nhân bạo lực gia đình. Ảnh: T.D

Theo thống kê của Hội LHPN huyện Đak Pơ, từ năm 2015 đến nay, 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập được 9 mô hình “Địa chỉ tin cậy” với 200 thành viên. Các mô hình này đã giúp đỡ trực tiếp 64 trường hợp; giúp đỡ gián tiếp qua điện thoại, nguồn tin tố giác 40 trường hợp và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể hòa giải gần 200 vụ mâu thuẫn khác.

Bà Nguyễn Thị Liên-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Pơ-cho biết: Dù còn gặp không ít khó khăn do các nạn nhân bị bạo lực gia đình thường che giấu nhưng mô hình “Địa chỉ tin cậy” đang ngày càng phát huy hiệu quả trong việc giúp đỡ các nạn nhân, góp phần tích cực trong việc phòng-chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn huyện.

“Để phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình “Địa chỉ tin cậy”, Hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc tuyên truyền, tư vấn về phòng-chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Chúng tôi cũng sẽ giới thiệu việc làm và hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân để giúp họ nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, Hội sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao năng lực của ban chủ nhiệm các mô hình”-bà Liên cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) để điều tra về tội “Giết người”, người dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch nơi nghi phạm cư trú không khỏi bàng hoàng với thủ đoạn tàn độc của người phụ nữ này.
Các đội thi thuyết trình về sản phẩm tái chế của mình trước Ban Giám khảo cuộc thi

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường giành giải nhất hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường” thị xã An Khê

(GLO)- Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024), ngày 24-6, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã An Khê tổ chức Hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường”. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường-hội viên phụ nữ xã Cửu An xuất sắc giành giải nhất hội thi.