Điểm tô thêm vẻ đẹp Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quê hương ngàn đời của các tộc người bản địa Tây Nguyên nay thêm rộn ràng hương sắc bởi cuộc tụ hội văn hóa từ nhiều vùng miền góp mặt.

Từ những đợt di dân chọn miền thượng du này làm quê hương mới, đồng bào từ nhiều vùng miền trong nước đã mang đến đây hồn cốt cố xứ và bản sắc văn hóa các tộc người. Những giá trị đó góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp của đại ngàn hùng vĩ phía tây Tổ quốc…

1. Nhiều dịp lang thang trên những cung đường đèo dốc Đắk Nông, Gia Lai nồng hương đất bazan, tôi như thấy núi rừng sáng lên bởi những sắc thổ cẩm đến từ miền Tây Bắc.

Dáng những người con trai Mông với dao phát trên tay và chiếc kềnh (khèn bầu làm từ sáu ống trúc) ngang lưng.

Dáng những người con gái Mông với chiếc ô hoa trên đầu và váy áo rực lên những gam màu sặc sỡ, lấp lánh bạc trắng, kim sa. Có nhiều khi dưới một triền thung lũng ngập tràn nắng gió bên dòng Krông Ana (Đắk Lắk) hay dòng Đắk Bla (Kon Tum), bỗng nghe điệu hát lượn slương cất lên giữa nương ngô xanh lá và thấp thoáng bóng áo bông nhuộm chàm của những cô gái Tày đến từ cực bắc Cao Bằng, Lạng Sơn.

Có nhiều khi giữa phiên chợ Tùng Nghĩa của miền sơn nguyên Lâm Đồng chợt bắt gặp những nhóm trai gái Thái ríu ran trò chuyện bằng ngôn ngữ của dân tộc mình dù cha ông họ từ vùng Cao - Bắc - Lạng đến đây lập cư từ hàng chục năm trước…

Nét văn hóa Tây Bắc giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Nét văn hóa Tây Bắc giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Văn hóa Tây Nguyên ngày nay đã đậm in những gam màu thơm hương tươi sắc từ nhiều miền quê, nhiều tộc người góp mặt. Tôi như nghe lời hát trường ca “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu, dân tộc Thái), “Te tấc te đác” (Đẻ đất đẻ nước, dân tộc Mường) quyện trong lời khan “Đam San”, “Xing Nhã” của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Tôi như nghe văng vẳng tiếng khèn Mông hòa cùng giai điệu khèn M’bướt của người Cơ Ho; âm thanh cồng Mường hòa với tiếng chiêng núm, chiêng bằng, chiêng ba, chiêng sáu của người Êđê, Ba Na, Chu Ru; điệu xòe Tây Bắc nối nhịp bước chân cùng vòng xoang Tây Nguyên.

Trong bữa liên hoan đoàn kết các buôn làng hôm nay, ngoài những món ăn truyền thống của người Kinh, rồi của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên như xôi ống, thịt nướng, canh da trâu nấu với cà đắng, rau rừng và những chóe rượu cần thơm nức hương đại ngàn, đã có thêm những món ăn từ núi rừng biên cương phía bắc như thắng cố, cơm lam, chẩm chéo chấm với cá nướng và các loại rượu Sán Lùng, Mẫu Sơn, Bắc Hà hay rượu Cốc Ngù chôn trong hang đá…

Tôi từng được thưởng thức các nghệ nhân Câu lạc bộ hát then, đàn tính của đồng bào Thái, Tày, Nùng từ phía bắc di cư đến xã Phi Tô (Lâm Hà, Lâm Đồng) biểu diễn. Ở các xã Nam Dông, Đắk Drong (Cư Jút, Đắk Nông) cũng có đến bốn câu lạc bộ hát then, đàn tính và gặt hái nhiều giải cao trong các liên hoan.

Tôi cũng đã gặp bà Bạc Thị Hiến, người phụ nữ thường đánh trống trong các lễ hội ở bản Thái thuộc thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng, Lâm Đồng).

Bà Hiến chính là người đã tham gia thành lập “Câu lạc bộ bản sắc văn hóa Thái” trên quê mới để những người đồng tộc cùng nhau sinh hoạt, trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ, cùng múa quạt, hát then, gảy đàn tính tẩu cho đỡ nỗi nhớ quê cũ…

2. Tôi đã được dự lễ tế đình Nghệ - Tĩnh (phường 8, TP. Đà Lạt). Ấp Nghệ - Tĩnh của người xứ Nghệ trên đất cao nguyên được thành lập từ năm 1927. Dù đã lập cư trên quê mới gần một thế kỷ, qua nhiều thế hệ, nhưng con dân những xứ Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Đức Thọ… vẫn giữ nguyên phong cách cố xứ.

Ấp Hà Đông của người dân các làng bên sông Hồng, ấp Trường Xuân của người Quảng Nam, ấp Ánh Sáng của người Thừa Thiên - Huế vào lập cư trên đất Đà Lạt từ những năm đầu thế kỷ trước cũng vậy.

Những lễ nghi tâm linh, phong tục, tập quán, cúng tế, ma chay, cưới hỏi trong ấp vẫn giữ nguyên nếp cũ. Chính bản sắc độc đáo từ các vùng miền đã góp phần làm đẹp thêm, sinh động thêm, tạo nên sự đa dạng trong văn hóa cộng đồng và những nét tính cách của người Đà Lạt, người Tây Nguyên hôm nay.

Trên đất Tây Nguyên, nơi nào người dân từ các vùng miền trong nước về tụ cư tập trung thì nơi đó bản sắc văn hóa cố xứ hết sức đậm đà. Nó như những mạch nguồn âm ỉ trong dòng chảy đời sống hằng ngày của cộng đồng.

Mỗi khi có cơ hội thì dòng chảy ấy trào tuôn làm ấm thêm sắc màu quê mới. Nó thể hiện ở cách đặt tên làng, tên phố, bằng những bản “hương ước” kế thừa những mỹ tục, điều phải, lẽ hay từ quê cũ, làng xưa.

Nó hiện hữu trong mỗi nét ăn, điều ở, lối sống, ứng xử và những biểu hiện hằng ngày. Những lời ca, điệu múa cổ truyền từ thưở ông bà vẫn được trao truyền, phát huy trong đời sống hôm nay.

Dòng chảy trong lành ấy tôi đã cảm nhận khi về với Lâm Hà, vùng đất kinh tế mới của người Hà Nội. Những tín hiệu ấm áp ấy tôi đã chứng kiến khi về với quê mới của người Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định ở vùng Cát Tiên bên dòng sông Đồng Nai. Những đêm giao lưu văn hóa đậm chất xứ Nghệ tôi cũng từng được tham dự với bà con đồng hương ở xứ Đắk Mil vùng biên viễn Đắk Nông…

3. Nhiều năm qua, các địa phương đã thực thi rất nhiều chương trình nhằm phát huy bản sắc văn hóa các vùng miền trên đất Tây Nguyên, tạo nên một không gian văn hóa đa dạng. Trên cái nền cốt cách đầy nội lực của văn hóa bản địa, sự góp mặt những sắc màu văn hóa của các tộc người anh em từ mọi miền Tổ quốc đến đây đã tạo những cung bậc cảm xúc, những sắc màu mới mẻ.

Ngày hội Xòe Chiêng bên thác Pongour.

Ngày hội Xòe Chiêng bên thác Pongour.

Rằm tháng Giêng Giáp Thìn vừa rồi, đồng bào Thái ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã thể hiện một chương trình nghệ thuật đậm sắc màu Tây Bắc trong lễ hội Xòe Chiêng bên thác Pongour.

Cũng cộng đồng này lại tổ chức lễ hội Xên Mường mừng mùa hoa ban vào trung tuần tháng hai nguyệt lịch. Các lễ hội của đồng bào Thái đã thu hút đồng bào các dân tộc anh em khắp tỉnh và du khách mọi miền cùng về thưởng lãm.

Trên đất cao nguyên này, những lễ hội văn hóa của mỗi tộc người đã trở thành ngày hội chung của cả cộng đồng và ngày hội văn hóa chung đều có sự góp mặt những nét độc đáo riêng của các tộc người, các vùng miền anh em.

Bởi lẽ, ở đâu có cộng đồng cư dân tập trung các tộc người, các vùng miền thì ở đó có nhu cầu thể hiện bản sắc và giao lưu văn hóa. Cả điều này cũng đúng, khi đời sống kinh tế ngày càng thêm ấm no thì khao khát thẩm mỹ, thỏa mãn đời sống tinh thần cũng bộc lộ rõ thêm…

Cái đẹp của văn hóa đã tạo nên sự xích lại gần nhau của các cộng đồng cư dân. Phát huy bản sắc các vùng miền, các tộc người đã tạo nên những sinh khí, những cố kết, những nền tảng nhân văn vững bền trên quê hương mới.

Trong quá trình giao lưu văn hóa, cộng đồng cùng tham gia, chia sẻ, cộng cảm. Họ cất lên thông điệp chung cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cho cuộc sống an lành, hạnh phúc. Nét độc đáo của mỗi tộc người, mỗi vùng miền như những dòng suối nhỏ mát lành hòa vào dòng chảy văn hóa đại trường giang Tây Nguyên.

Việc khơi thông những mạch nguồn bản sắc trong quá trình giao lưu, tiếp biến, giao thoa văn hóa các dân tộc cùng chung sống trên vùng đất Tây Nguyên là điều vô cùng ý nghĩa và cần thiết.

Có thể bạn quan tâm