(GLO)- Dẫn chúng tôi tới thăm nhà rông của làng, anh Rơ Lan Bih-Bí thư chi đoàn làng A (xã Gào, TP. Pleiku) tự hào khoe bộ cồng chiêng trị giá 22 triệu đồng, 1 dàn âm thanh trị giá 5 triệu đồng mới sắm được để phục vụ cho việc tổ chức các phong trào, hoạt động của làng và của chi đoàn.
Chi đoàn làng A đã có một bộ cồng chiêng mới để phục vụ sinh hoạt. Ảnh: T.B |
Anh Bih cho biết: “Kinh phí dùng để mua cồng chiêng và dàn âm thanh có được từ việc trồng cây keo lai và bạch đàn đấy. Đợt thứ nhất, chi đoàn thu được 150 triệu đồng, chỉ còn 1 năm nữa là cho thu hoạch tiếp đợt thứ hai. Nhờ trồng cây mà nguồn quỹ của chi đoàn đã khấm khá hẳn. Ngoài mua sắm các vật dụng trên, chi đoàn còn sửa sân bóng, cho thanh niên làng vay với lãi suất thấp để lập nghiệp làm giàu”.
Theo chia sẻ của anh Bih, việc trồng cây gây quỹ Đoàn ở làng A đã bắt đầu từ gần 10 năm trước. Thời gian đó, thanh niên ở làng rất đông và nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào của chi đoàn. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất chính là kinh phí tổ chức, bởi mọi hoạt động đều phải xin kinh phí của địa phương và vận động sự đóng góp của đoàn viên thanh niên. Với những hoạt động lớn thì số tiền quỹ trên là quá ít. Trong khi đó, việc vận động đoàn viên, thanh niên đóng góp thêm cũng hạn chế bởi đời sống của họ còn rất nhiều khó khăn. Muốn triển khai, tổ chức gì cũng phải cân nhắc nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các phong trào thi đua.
“Làng mình có một khu đất rộng khoảng 2 ha dành riêng cho việc làm nhà mồ. Nhờ sự gợi ý của Bí thư Đoàn xã Puih Lêr, chi đoàn đã hỏi mượn già làng phần đất này để trồng rừng. Ý kiến này đã được già làng đồng ý và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của tất cả thanh niên trong làng. Mỗi thanh niên đóng góp 3.000 đồng để mua cây giống và tự nguyện đóng góp công để trồng, đồng thời, thay phiên nhau chăm sóc, phát dọn vườn cây. Sau 5 năm thì cây cho thu hoạch. Đoàn viên, thanh niên trong làng không thể ngờ quỹ của chi đoàn lại dồi dào đến như thế”-anh Bih chia sẻ thêm.
Từ điểm sáng gây quỹ Đoàn ở làng A, chi đoàn làng C và thôn 4 (xã Gào) cũng học tập và triển khai mô hình ý nghĩa này bằng việc trồng vườn cây bạch đàn, bổ sung vào nguồn quỹ Đoàn 12-25 triệu đồng mỗi đợt thu hoạch. Ngoài ra, các chi đoàn còn gây quỹ từ việc đảm nhiệm các công trình, phần việc của làng. Từ khi có nguồn quỹ này, các chi đoàn thôn, làng ở xã Gào không chỉ chủ động được kinh phí tổ chức nhiều hoạt động Đoàn mà còn có điều kiện thăm hỏi các gia đình chính sách, thăm nom đoàn viên, thanh niên lúc ốm đau, hoạn nạn. “Việc cùng chung tay xây dựng quỹ đã tạo nên sự gắn kết, tập hợp đoàn viên, thanh niên vào tổ chức Đoàn. Từ khi có thêm kinh phí, các chi đoàn cũng tự tin để tổ chức các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên hơn. Tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong thanh niên không xảy ra. Trong thời gian tới, Ban Chấp hành Đoàn xã sẽ cố gắng nhân rộng mô hình này ra tất cả các chi đoàn thôn, làng còn lại của xã”-anh Puih Lêr-Bí thư Đoàn xã Gào vui vẻ nói.
Có thể thấy, kinh phí để tổ chức các hoạt động, phong trào Đoàn luôn là bài toán khó đối với các tổ chức Đoàn cơ sở. Tuy nhiên, bài toán ấy có thể được giải nhờ sự tìm tòi, sáng tạo và nhiệt huyết của đoàn viên, thanh niên. Với những hoạt động gây quỹ đầy sáng tạo của các chi đoàn ở xã Gào, thiết nghĩ, đây là một mô hình mang lại hiệu quả thiết thực và cần được nhân rộng.
Thủy Bình