Dịch lở mồm long móng lan rộng ở Đác Lắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong những ngày qua, mặc dù ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Đác Lắc phối hợp chính quyền và các ngành chức năng các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch và phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) cho đàn lợn trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay dịch LMLM vẫn chưa được ngăn chặn mà tiếp tục lan rộng trên đàn lợn khiến người chăn nuôi hết sức lo lắng.
 
Các ngành chức năng huyện Cư Kuin tổ chức tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh LMLM.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đác Lắc Vũ Văn Đông cho biết: Tính đến ngày 16-3, dịch bệnh LMLM đã xuất hiện trên đàn lợn của năm huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh gồm huyện: Cư Kuin, Krông Bông, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột. Các ngành chức năng ghi nhận có 18 ổ dịch tại 13 xã, phường với tổng số gia súc mắc bệnh là 393 con, trong đó đã tổ chức tiêu hủy 374 con. Ngay sau khi dịch LMLM bùng phát, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm, kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với virus LMLM type O.
Để chủ động phòng chống dịch LMLM, ngày 13-3, hai huyện Cư Kuin và Krông Bông đã quyết định công bố dịch LMLM trên đàn lợn của địa phương để huy động các nguồn lực phòng, chống dịch.
Trong năm huyện, thị xã, thành phố xuất hiện dịch LMLM trên đàn lợn ở Đác Lắc hiện nay thì ở huyện Cư Kuin dịch diễn biến phức tạp nhất. Theo Trạm Thú y huyện, dịch LMLM xuất hiện trên đàn lợn từ ngày 26-1 đến ngày 12-3 với năm ổ dịch tại các xã gồm: Cư Evi, Đrây Bhăng, Ea B’hốc và xã Ea Tiêu với tổng số đàn lợn mắc bệnh là 143 con. Ngày 13-3, UBND huyện Cư Kuin đã quyết định công bố dịch LMLM trên đàn lợn, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm trên địa bàn huyện. Đồng thời, yêu cầu các địa phương có dịch tạm ngừng việc mua bán, vận chuyển gia súc mẫn cảm với bệnh LMLM và sản phẩm của lợn ra vào vùng dịch.
Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Cư Kuin Lê Văn Chính cho biết: Đến ngày 15-3, các cơ quan chức năng của huyện đã tiêu hủy 132/143 con lợn bị mắc bệnh; UBND huyện cũng đã chủ động kinh phí mua cấp 60 lít hóa chất, 720 kg vôi bột để tiêu độc, khử trùng vùng xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, huyện cũng thành lập bốn điểm chốt chặn trên các đầu mối giao thông trọng điểm, đồng thời tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch LMLM đang lan rộng trên đàn lợn ở địa phương.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đác Lắc Vũ Văn Đông cho biết: Trước tình hình dịch bệnh LMLM bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trạm thú y các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM, thực hiện tổng tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường bằng hóa chất và vôi bột. Đối với các huyện, xã đã xảy ra dịch bệnh, tổ chức các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn trên địa bàn và các tuyến giao thông trọng điểm, không để việc vận chuyển lợn mắc bệnh ra khỏi địa phương, làm lây lan nguồn bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân về tác hại của bệnh LMLM, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phối hợp các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý khi dịch bệnh LMLM xảy ra tại địa phương.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, kể từ khi dịch bệnh LMLM bùng phát trên địa bàn, tại một số địa phương tỉnh Đác Lắc, người dân mang xác lợn chết vứt xuống các dòng suối, khu vực vắng dân cư, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân và lây lan nguồn bệnh, khiến công tác phòng, chống dịch càng khó khăn hơn. Vì vậy, để công tác phòng, chống dịch LMLM trên địa bàn hiệu quả, ngoài tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên đàn lợn, các cấp, các ngành ở Đác Lắc cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch đối với đàn lợn chưa mắc bệnh. Đối với những địa phương đã xuất hiện dịch bệnh thì tích cực phối hợp ngành chăn nuôi và thú y triển khai các biện pháp phòng, chống; đối với đàn lợn đã mắc bệnh thì tổ chức tiêu hủy đúng quy định, không nên đem vứt bừa bãi vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm lây lan nguồn bệnh khiến cho dịch bệnh ngày càng lan rộng hơn...
Nguyễn Công Lý (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm