Dịch bệnh tàn phá thể thao: Bóng đá châu Phi chao đảo vì Ebola

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lần gần đây nhất trước đại dịch Covid-19, bóng đá đỉnh cao gặp rắc rối lớn vì nguy cơ lây nhiễm bệnh tật là giai đoạn 2014 - 2015 ở châu Phi: Morocco không những mất quyền đăng cai Cúp châu Phi (CAN) 2015 mà còn bị LĐBĐ châu Phi (CAF) phạt nặng, để rồi các bên phải lôi nhau ra tòa.
Một nhóm CĐV Bờ Biển Ngà thể hiện sự kỳ thị với các cầu thủ khách Sierra Leone. Ảnh: Reuters
Một nhóm CĐV Bờ Biển Ngà thể hiện sự kỳ thị với các cầu thủ khách Sierra Leone. Ảnh: Reuters
Morocco chịu thiệt thòi
Bệnh Ebola (do vi rút Ebola gây nên) đã có từ lâu rồi. Nhưng nó bùng lên thành dịch ở khu vực Tây Phi trong giai đoạn 2014 - 2015, làm 11.000 người thiệt mạng. Bệnh này không dễ lây nhưng lại có tỷ lệ tử vong rất cao, nên đáng ngại. Guinea, Sierra Leone và Liberia là 3 nước bị tàn phá nặng nề nhất, trong cơn bùng phát dữ dội nhất trong lịch sử bệnh Ebola. Nigeria, Mali và cả Mỹ, cũng đều có người chết vì bệnh này. Các nước châu Âu như Anh, Ý, Tây Ban Nha đều có người bị lây nhiễm. Nhưng Morocco thì không có bệnh. Nhưng rút cuộc, Morocco lại là nền bóng đá phải chịu thiệt thòi nhiều hơn cả!
Theo kế hoạch, Morocco là nước chủ nhà của VCK Cúp châu Phi (CAN) 2015, diễn ra vào đầu năm ấy. Nhưng từ năm 2014, bóng đá châu Phi đã liên tục chịu ảnh hưởng của dịch Ebola. Liberia và Sierra Leone đều chấm dứt mọi hoạt động bóng đá. Sân vận động quốc gia của Liberia ở Monrovia khi ấy được cải tạo thành trung tâm chống dịch Ebola. LĐBĐ châu Phi (CAF) và hàng loạt nước khác đã cấm các đội bóng đến từ 3 nước vừa nêu. Ở Bờ Biển Ngà, người ta chia thành nhiều phe tranh luận gay gắt khi đội này tiếp Sierra Leone ở vòng loại. Cầu thủ Lass Bangoura của Guinea và CLB Rayo Vallecano phải tuyên bố rút khỏi ĐTQG, với lời giải thích: anh không sợ bị lây nhiễm bệnh, nhưng làm thế để CLB của mình hoàn toàn yên tâm, tập trung vào các vấn đề chuyên môn...
Tuy hoàn toàn không chịu ảnh hưởng gì từ Ebola, nhưng Morocco lo ngại cầu thủ đến từ những nước có dịch sẽ làm lây bệnh, nên đề nghị CAF hoãn VCK. Đương nhiên, việc hoãn giải sẽ khiến CAF thiệt thòi về mặt tài chính, nên đề nghị hoãn giải không được chấp thuận. Người ta đã phải họp đi họp lại, tranh cãi ầm ĩ trong suốt nhiều tháng. Cuối cùng, CAF ra tối hậu thư để Morocco phải khẳng định vẫn tổ chức VCK CAN 2015. Hạn chót trôi qua mà không có câu trả lời, CAF phạt LĐBĐ Morocco 1 triệu USD, loại đội này ra khỏi giải và cấm dự 2 kỳ CAN tiếp theo, đồng thời tuyên bố sẽ tổ chức VCK ở một nước khác.
Câu chuyện về Ebola chưa có hồi kết
Ai Cập, Ghana, Nam Phi, Sudan đều từ chối đề nghị đăng cai CAN của CAF. Angola, nước vừa tổ chức CAN 2010 trước đó, cũng từ chối vì lý do cơ sở hạ tầng không ổn thỏa. Cuối cùng, VCK CAN 2015 diễn ra tại Guinea Xích Đạo. Để tổ chức thành công giải đấu, nước châu Phi hiếm hoi nói tiếng Tây Ban Nha này đã mời 50 bác sĩ đến từ Cuba, thiết lập những đội xe cấp cứu hùng hậu và lắp đặt hệ thống camera theo dõi thân nhiệt khán giả.
Còn có lập luận, CAF quyết phạt nặng Morocco vì tự ái: Ngay giữa lúc các bên còn đang tranh cãi gay gắt về việc tổ chức CAN 2015, thì Morocco vẫn bình thản tổ chức giải FIFA Club World Cup 2014, với lý do: các đội tham dự giải này đều đến từ những nước không có dịch. Khi lôi nhau ra CAS (Tòa án thể thao quốc tế), CAF đuối lý về hình phạt cấm Morocco tham dự những giải CAN sau đó, trong khi Morocco vẫn phải nộp phạt theo án của CAF, theo các hợp đồng đã ký.
Dù sao đi nữa, việc Morocco lo ngại về việc Ebola xuất hiện ở nước này là “có thể hiểu được” và họ không đáng bị cấm cửa ở các kỳ CAN tiếp theo. Trong những ngày qua, hồ sơ vụ kiện giữa Morocco và CAF tại CAS đã được tham khảo khá kỹ, khi các tổ chức bóng đá lớn phải họp và quyết định những vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19.
Mãi đến năm ngoái, câu chuyện về Ebola và bóng đá châu Phi vẫn chưa thật sự chấm dứt. FIFA đã cấm Musa Hassan Bility (cựu Chủ tịch LĐBĐ Liberia đồng thời từng ngồi trong Ban điều hành CAF) tham gia vào bất cứ hoạt động bóng đá nào trong vòng 10 năm. Nhân vật này bị kết tội đã trục lợi và tham nhũng tiền do FIFA cấp cho chương trình chống dịch Ebola. Sau này, UNICEF và các tổ chức thiện nguyện cho rằng nhờ có bóng đá mà họ trở nên dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, tuyên truyền và dập được dịch Ebola vào năm 2015.
Theo Ngũ Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Hào hứng chinh phục cung đường Half Marathon Chư Pưh

Hào hứng chinh phục cung đường Half Marathon Chư Pưh

(GLO)- Sáng 8-12, hơn 850 vận động viên (VĐV) trong và ngoài tỉnh đã hội tụ về Giải chạy Half Marthon Chư Pưh 2024 lần thứ I với chủ đề “Bước chạy xanh-Thân thiện với môi trường”. Các chân chạy đều hào hứng khi được chinh phục cung đường đẹp nhưng đầy thử thách của vùng đất phía Nam tỉnh Gia Lai.

Hoàng Anh Gia Lai tuyển sinh cầu thủ trẻ

Hoàng Anh Gia Lai tuyển sinh cầu thủ trẻ

(GLO)- Chiều 5-12, Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết sẽ tiến hành tuyển sinh cầu thủ trẻ tại Gia Lai nhằm tìm kiếm lứa cầu thủ kế cận cho đội bóng thông qua sự kiện Festival “Chiến binh tương lai HAGL”.

Shark Thủy bị khởi tố thêm tội đưa hối lộ

Shark Thủy bị khởi tố thêm tội đưa hối lộ

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức Shark Thủy) vừa bị khởi tố thêm tội đưa hối lộ, liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup (Tập đoàn Egroup), Công ty CP đầu tư và phân phối Egame (Công ty EGame) và một số đơn vị liên quan.

Nữ võ sĩ 15 tuổi lên tuyển trẻ quốc gia

Nữ võ sĩ 15 tuổi lên tuyển trẻ quốc gia

(GLO)- Ngay từ khi còn nhỏ, em Hà Thị Anh Minh (SN 2009, làng Mook Trê, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã phải chịu bao vất vả, khó khăn. Song với nghị lực cùng sự quyết tâm, nữ võ sĩ 15 tuổi này đang là một trong những tài năng trẻ của Taekwondo Gia Lai cũng như đội tuyển trẻ quốc gia.