Huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18 ngày 25/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với đặc điểm, tình hình và lợi thế của địa phương.
Di Linh là địa bàn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. |
Di Linh là địa phương sở hữu nhiều danh thắng đẹp. Núi Brăh Yang, hồ Ka La, thác Bobla, thác Li Liang, thác Bảy Tầng, cánh đồng lúa Bảo Thuận, đồi chè Tân Châu, hồ thủy điện Đồng Nai 2 - Đồng Nai 3, hồ Đak Lou Kia, hồ Thanh Bạch, rừng thông sao võ... là những thắng cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất Di Linh. Thêm vào đó, huyện Di Linh có điểm giao nhau của QL20 và QL28; cách TP Hồ Chí Minh 220 km, Đà Lạt 75 km; cách sân bay Liên Khương 45 km; cách TP biển Phan Thiết 100 km; cách Đắk Nông 90 km. Ngoài ra, Di Linh còn có vùng nguyên liệu cà phê Robusta rộng nhất tỉnh Lâm Đồng (44.853 ha); sản phẩm cà phê nhân Di Linh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu từ năm 2008 và hiện có nhiều sản phẩm cà phê rang xay đạt chất lượng cao; nơi đây có nhiều loại cây trồng mang thế mạnh đặc trưng như bơ, sầu riêng, mắc ca, hồ tiêu...
Trên cơ sở nội dung Nghị quyết 18 của Tỉnh ủy, căn cứ vào đặc điểm tình hình của địa phương, huyện Di Linh xác định rõ các mục tiêu trọng tâm để tập trung thực hiện. Cụ thể: Thực hiện tốt cơ chế, chính sách về phát triển du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển du lịch. Phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ phục vụ phát triển du lịch gắn với phát triển thương mại - dịch vụ, nhất là tại Khu du lịch thác Bobla, các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Tiến hành khảo sát đánh giá tài nguyên du lịch; tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển các tour, tuyến, khu và điểm du lịch. Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng và làm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện. Khuyến khích xây dựng các khu vui chơi, giải trí lớn, hiện đại, các nhà hàng, khách sạn,... tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao kết hợp với phát triển du lịch, tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách. Đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong ngành Du lịch; phát triển du lịch thông minh; quản lý khách du lịch, hoạt động du lịch và tài nguyên du lịch; kiểm soát, giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường trong hoạt động du lịch trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và nền tảng công nghệ số. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch, nhân lực chất lượng cao, bảo đảm yêu cầu về số lượng và chất lượng...
Để thực hiện mục tiêu trên, Huyện ủy Di Linh đã xây dựng chương trình hành động cụ thể. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, địa phương phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về du lịch, gắn với bảo tồn các giá trị tự nhiên, môi trường sinh thái và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc của huyện để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao; tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng, hiệu quả. Phát triển du lịch dựa trên sự phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành và quần chúng Nhân dân các dân tộc trong huyện, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng, xúc tiến và kinh doanh các hoạt động du lịch.
Bí thư Huyện ủy Di Linh Đinh Văn Tuấn cho biết: Trên cơ sở triển khai thực hiện, Huyện ủy đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tổ chức triển khai, quán triệt nội dung này đến cán bộ, đảng viên, hội viên và toàn thể Nhân dân tạo sự đồng thuận thực hiện trong toàn xã hội. UBND huyện cũng đã điều chỉnh, cập nhật Kế hoạch phát triển du lịch huyện Di Linh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với điều kiện thực tế.
Nhằm phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch vùng, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch của địa phương, huyện Di Linh đang tập trung hướng tới các loại hình: khu du lịch, vui chơi, mua sắm, tham quan, cắm trại, nghỉ dưỡng; du lịch canh nông kết hợp với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ; du lịch sinh thái, du lịch dưới tán rừng, các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu thiên nhiên gắn với quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống của người DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa. Phát triển các hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm; hình thành các tour, tuyến và các sản phẩm du lịch phù hợp với những đặc điểm, đặc trưng của huyện.
Hiện tại, huyện Di Linh đang tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm các tuyến đường giao thông, phát triển các điểm du lịch Liliang, thác Bobla giai đoạn 2, Khu du lịch sinh thái hồ thuỷ điện Đồng Nai 2 - Đồng Nai 3, mô hình làng văn hoá Tây Nguyên tại Bảo Thuận, Khu du lịch cánh đồng trung tâm thị trấn, hồ Tây, hồ Đông Di Linh, hồ 1019, Khu du lịch hồ KaLa và núi Brăh Yàng, thác 7 tầng xã Tam Bố... Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng để bảo tồn và tạo cảnh quan, môi trường sinh thái. Chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, những sản phẩm đặc trưng của địa phương để phát triển du lịch canh nông. Triển khai Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch. Đồng thời, chủ động kết nối, kêu gọi các nhà đầu tư để phát triển những tiềm năng, thế mạnh của huyện Di Linh.
Nghị quyết số 18 của Tỉnh ủy là định hướng, là căn cứ để huyện Di Linh bám sát thực hiện. Việc cả hệ thống chính trị, huyện Di Linh tập trung thực hiện có hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18 sẽ góp phần phát triển du lịch Di Linh, đồng thời đóng góp quan trọng trong “bức tranh” phát triển ngành Du lịch chung của cả tỉnh.
http://baolamdong.vn/chinhtri/202210/di-linh-va-no-luc-thuc-hien-nghi-quyet-so-18-3137790/
Theo NGỌC NGÀ (baolamdong)