Để trẻ em có mùa hè vui tươi, lành mạnh, bổ ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa đang trở lại. Làm thế nào để các em có sân chơi lành mạnh, bổ ích và giàu ý nghĩa là vấn đề mà các cấp, các ngành đang rất quan tâm. 
Ngay từ đầu tháng 6, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã bắt đầu tổ chức các hoạt động hè, tạo sân chơi bổ ích, lý thú cho thiếu nhi. Sôi động nhất phải kể đến sự kiện hơn 2.000 thiếu nhi tham gia Ngày hội trò chơi dân gian do Văn phòng Tổng Đại lý Prudential Gia Lai tổ chức tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku. Ngày hội đã tạo không khí phấn khởi, sôi nổi với nhiều trò chơi như: đi cà kheo, bịt mắt đập bong bóng, ném vòng, nhảy dây, nhảy bao bố, kéo co, banh đũa, ô ăn quan… Trong không gian rộng rãi, thoáng đãng, các em thiếu nhi đã có một ngày thỏa sức vui chơi, rộn rã tiếng cười, được rèn luyện thêm một số kỹ năng như: làm việc nhóm, ý thức bảo vệ môi trường…
Dịp hè năm nay, Thư viện tỉnh tiếp tục tổ chức hoạt động “Trang sách mùa hè”. Đây là sân chơi vô cùng bổ ích dành cho các em trong suốt mùa hè khi được làm bạn với những trang sách. Những năm gần đây, Thư viện tỉnh đã tổ chức các chuyến xe thư viện lưu động, đa dạng hình thức khuyến đọc như: tổ chức hoạt động thu âm, quay video giới thiệu sách, tổ chức các trò chơi liên quan đến kiến thức trong sách, báo. Nhờ đó, các em có một mùa hè thật bổ ích, lành mạnh. Kỳ nghỉ hè ở khắp các địa phương trong tỉnh cũng đang rộn ràng, náo nhiệt khi những điểm học bơi, học võ, bóng đá, các môn năng khiếu cho thanh thiếu nhi dần kín chỗ. 
Các bậc phụ huynh dẫn con đến tham gia Ngày hội Trò chơi dân gian ký cam kết bảo vệ môi trường. Ảnh: Phan Lài
Các bậc phụ huynh dẫn con đến tham gia Ngày hội Trò chơi dân gian ký cam kết bảo vệ môi trường. Ảnh: Phan Lài
Dù vậy, sân chơi hè cho thiếu nhi vẫn là “bài toán” khó hiện nay. Không chỉ ở nông thôn, việc tìm điểm vui chơi, giải trí ở khu vực thành thị cũng khá nan giải. Không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện về vật chất và thời gian để cho con tham gia các trại hè có kèm phí hay theo học các lớp năng khiếu, kỹ năng trong dịp hè. Trong khi đó, các sân chơi miễn phí khá ít ỏi, một số nơi hầu như không có. Không gian mở ngoài trời đủ để trẻ tham gia các hoạt động cũng ngày càng bị thu hẹp. Nhà không có sân rộng, vỉa hè bị lấn chiếm, nơi ở quá gần đường giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, một số công viên, hoa viên có không gian rộng rãi, thoáng mát song lại thiếu các trò chơi giải trí. Bên cạnh đó, hình thức tổ chức sinh hoạt hè ở khu dân cư còn thiếu tính sáng tạo, chưa đa dạng, phong phú, đúng nhu cầu nên không thu hút các em tham gia. Ở nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động hè cũng ngày càng hạn chế khi kỳ nghỉ của nhiều em học sinh gắn liền với những ngày lên nương rẫy phụ giúp gia đình. 
Tạo sân chơi hè cho trẻ là trách nhiệm của mỗi gia đình và cả cộng đồng, trong đó, Đoàn Thanh niên đóng vai trò quan trọng. Ban Bí thư Trung ương Đoàn vừa ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động hè dành cho thiếu nhi năm 2022. Trong đó, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền cho thiếu nhi về kỹ năng phòng, tránh tai nạn, thương tích; trang bị kỹ năng thoát hiểm; tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục truyền thống lịch sử, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tình yêu quê hương, đất nước; tổ chức các hoạt động hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong thiếu nhi. Trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2022, Tỉnh Đoàn cũng đặt mục tiêu xây dựng, sửa chữa ít nhất 17 điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí cho thiếu nhi và công trình “Vì đàn em thân yêu”; xây dựng mới ít nhất 3 nhà nhân ái, nhà tình nghĩa, nhà “Khăn quàng đỏ”… Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn trực thuộc cũng xây dựng nhiều chương trình, hoạt động cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè năm nay.
Bên cạnh phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên, sự chung tay, vào cuộc của các ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong việc xây dựng các điểm sinh hoạt, tổ chức chương trình vui chơi cho thiếu nhi rất cần thiết, nhất là những hoạt động có kinh phí. Hình thức tổ chức hoạt động hè cũng cần linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng vùng, từng đối tượng, độ tuổi để có thể thu hút được sự tham gia, tạo hứng thú cho các em. Ở tầm nhìn xa hơn, chính quyền các địa phương cần quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng sân chơi phù hợp cho từng cộng đồng dân cư. Có như vậy, “bài toán” sân chơi cho thiếu nhi mới được giải quyết tận gốc để những kỳ nghỉ hè tới sẽ càng thêm ý nghĩa, bổ ích, vui tươi, an toàn. 
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.