(GLO)- L.T.S: Bắt đầu từ hôm nay (10-9), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tiến hành đợt kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Gia Lai ghi lại ý kiến trao đổi của một số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
* Nhà thơ Văn Công Hùng:
Một lần nữa Đảng ta lại tổ chức chỉnh đốn một cách quy mô và nghiêm túc. Với tư cách một trí thức, một người lao động sáng tạo, tôi thấy cần phải bày tỏ đôi điều.
Chưa bao giờ mà người dân lại quan tâm đến tình hình đất nước như bây giờ. Một mặt họ thấy được sự phát triển của đất nước, nhưng mặt khác họ cũng lại thấy bất an khi các tập đoàn kinh tế làm ăn thua lỗ, nạn tham nhũng đến mức phổ biến, kỷ cương xã hội bị coi thường, sức chiến đấu của Đảng giảm sút…
Hơn lúc nào hết, người dân đang trông vào cuộc chỉnh đốn quyết liệt lần này. Và Đảng cũng phải tự khẳng định mình là lực lượng không thể thay thế ở chính cuộc chỉnh đốn này, để củng cố niềm tin và để dân tiếp tục tin Đảng.
Theo tôi, phàm đã gánh trách nhiệm trước dân, trước Tổ quốc, dân tộc và lịch sử thì ai cũng muốn và cũng phải làm hết mình cho sự nghiệp chung ấy. Không ai muốn nhân dân, lịch sử… quên mình hoặc coi mình như một vật cản trên đường phát triển. Mỗi người sẽ tự có cách, phương pháp và tâm thế để thực hiện chức trách của mình, nhưng tôi thấy trước hết phải có cái tâm. Cái tâm sẽ sinh ra trách nhiệm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy là nơi có trách nhiệm cao ở một tỉnh, tuy thế để trách nhiệm ấy đặt đúng chỗ còn cần mỗi cá nhân có cái tầm. Tôi mong trong đợt kiểm điểm lần này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ ra được cái tâm và cái tầm của từng thành viên, để chỉ ra những điều cần phát huy và thấy những hạn chế của từng người để khắc phục.
Chúng ta có tài nguyên, dân ta cần cù thông minh mà sao vẫn còn nghèo. Tại sao càng có nhiều chủ trương, dự án giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc thì nó lại càng nhanh mất đi? Tại sao nhiều công trình xây dựng vừa làm đã hỏng hoặc kéo dài? Tại sao vẫn còn sự lãng phí, vô cùng lãng phí trong tất cả các mặt hoạt động? Tại sao những việc vô cùng hình thức vẫn tồn tại trong xã hội chúng ta? Tại sao những tiêu cực xã hội vẫn kéo dài?… Hàng loạt vấn đề đang nảy sinh trong xã hội chúng ta hiện nay, gần như không ai không thấy nhưng nó vẫn tồn tại như một đương nhiên. Ai sẽ phải có trách nhiệm xử lý những vấn đề ấy?
Tôi nghĩ tất cả những điều ấy đều “quy về một mối” là Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hôm nay, Thường vụ kiểm điểm phê bình và tự phê bình, tôi mong sẽ có sự đoàn kết, trung thực, dũng cảm, để người dân có quyền đặt niềm tin ở “hậu” chỉnh đốn, để uy tín của Đảng tiếp tục được giữ vững và niềm tin của dân không bị lung lay.
* Ông Nguyễn Văn Bằng-đảng viên chi bộ 10, phường Hoa Lư, TP. Pleiku:
Việc ra đời Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thể hiện sự quyết tâm cao về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Là một đảng viên, tôi rất phấn khởi vì thấy rõ sự quyết tâm của tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Tuy nhiên, điều mà cán bộ, đảng viên và người dân mong đợi là Nghị quyết phải thật sự đi vào cuộc sống. Theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 4, hiện nay bước thực hiện tiếp theo là tiến hành đợt kiểm điểm, phê bình và tự phê bình cấp Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chúng tôi mong muốn tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai và các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát huy tinh thần tiền phong gương mẫu của những người đứng đầu, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đợt kiểm điểm, phê bình và tự phê bình lần này, bằng hành động cụ thể, việc làm cụ thể...
Việc góp ý, phê bình và tự phê bình tiến hành một cách chặt chẽ và thấu đáo, trong đó cần đánh giá những kết quả đạt được, cùng với chỉ ra những khuyết điểm và hạn chế, những vụ việc liên quan tiêu cực, tham nhũng và lãng phí, cũng như đề ra những giải pháp phù hợp để sửa chữa và khắc phục, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, qua đó tạo cơ sở cho việc tổ chức kiểm điểm, phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 cho các cấp ủy cấp dưới trong thời gian tới đạt hiệu quả.
* Anh Trần Hữu Hoàn-Phó Bí thư đoàn cơ sở xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ):
Với mỗi đảng viên, phê bình và tự phê bình là việc làm thường xuyên. Tuy nhiên, thời gian qua, việc này chưa được thực hiện nghiêm túc, nhiều lúc nhiều nơi còn xem nhẹ và mang tính hình thức. Với việc đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, Nghị quyết Trung ương 4 đặc biệt có ý nghĩa đối với đội ngũ đảng viên trẻ. Từ việc kiểm điểm bản thân, mỗi đảng viên trẻ sẽ tìm thấy ưu-khuyết điểm của mình, từ đó hoàn thiện hơn bản thân.
Từ khi có Nghị quyết Trung ương 4, Đảng bộ xã Ia Krêl đã chỉ đạo Ban Chấp hành đoàn cơ sở phải làm sao để đưa Nghị quyết Trung ương 4 đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thiết thực. Đoàn xã có 315 đoàn viên, trong đó có 28 đảng viên. Hơn một nửa số đảng viên trong chi đoàn là người dân tộc thiểu số, tuy nhiên, điều đáng mừng là đội ngũ này đều rất nhiệt tình với công tác Đoàn, ý thức và bản lĩnh chính trị rất tốt nên ngay sau khi được tổ chức học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết 4, mỗi đảng viên đều cố gắng phấn đấu thực hiện nghiêm túc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng.
Được biết, hôm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Với tư cách là đảng viên đồng thời là một người dân đại diện cho thế hệ trẻ, tôi cho rằng đây là một việc làm hết sức thiết thực, cho thấy Nghị quyết đang thực sự đi vào đời sống.
D.D-T.N-L.H (thực hiện)