Đề án khuyến công: "Đòn bẩy" thúc đẩy công nghiệp nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc triển khai các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tạo hiệu ứng tích cực, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị để nâng tầm giá trị và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. 
Bước đệm mở rộng sản xuất
Năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh gồm: nước cốt chanh dây (3 sao) và chanh dây trái (4 sao). Ngoài xuất khẩu chanh dây, HTX còn chế biến các sản phẩm tinh cốt chanh dây cô đặc, mứt chanh dây…
Giám đốc HTX Nguyễn Thị Mỹ Thơm cho hay: Năm 2020, HTX được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) hỗ trợ 300 triệu đồng để mua hệ thống máy sấy nông sản và kho trữ mát. Để sở hữu thiết bị này, ngoài nguồn hỗ trợ, HTX đã đầu tư thêm 300 triệu đồng. Việc đưa dây chuyền máy móc này vào quy trình sản xuất đã mang lại hiệu quả rất lớn.
Trong trường hợp hàng thu mua mà chưa tiêu thụ kịp thì sẽ trữ vào kho trữ mát, chất lượng được đảm bảo. Việc thu mua sản phẩm chanh dây cho người dân sẽ liên tục và không bị gián đoạn. Còn máy sấy nông sản đã giúp HTX chế biến mứt từ vỏ chanh dây sấy dẻo với công suất có thể lên đến 300 kg vỏ/ngày, trong khi trước đây làm thủ công chỉ khoảng 20 kg/ngày.
“Đề án khuyến công đã giúp HTX nâng cấp quy trình chế biến qua máy móc hiện đại để tăng hiệu suất và nâng sản lượng hàng hóa. Từ đó, góp phần gia tăng giá trị cho mặt hàng chanh dây, cũng như tăng thu nhập cho thành viên”-bà Thơm chia sẻ.
Nhiều cơ sở được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đã có sản phẩm đạt chứng nhận công nghiệp nông thôn tiêu biểu và OCOP. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều cơ sở được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đã có sản phẩm đạt chứng nhận công nghiệp nông thôn tiêu biểu và OCOP. Ảnh: Vũ Thảo
Trong 5 năm (2016-2020), tổng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh đạt hơn 36 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hơn 9,3 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương 744 triệu đồng, kinh phí của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn 26 tỷ đồng. Các nguồn kinh phí này đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 3 đơn vị thụ hưởng và hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho 14 đề án với 20 đơn vị thụ hưởng.
Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng đã tổ chức 3 lần bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Qua đó, có 72 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; 17 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp khu vực; 3 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại-cho biết: “Hàng năm, nguồn kinh phí khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tạo bước đệm mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”.
Tạo đà vươn xa
Mặc dù đạt được những kết quả đáng mừng, nhưng kinh phí để thực hiện chương trình khuyến công địa phương còn thấp, chưa tác động mạnh mẽ đến đầu tư phát triển sản xuất trong khu vực CNNT.
Bà Thu cho biết thêm: Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng nguồn kinh phí theo mức hỗ trợ được quy định nhằm tạo động lực thu hút đối tượng thụ hưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án khuyến công, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và sử dụng kinh phí đúng mục đích.
Nguồn kinh phí khuyến công đã phát huy vai trò là vốn mồi để khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuấ
Nguồn kinh phí khuyến công đã khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất. Ảnh: Vũ Thảo
Ngoài ra, nguồn kinh phí khuyến công sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng các khu-cụm công nghiệp để giảm thải ô nhiễm môi trường; tập trung xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm đảm bảo có sự liên kết, có tác động lan tỏa; chú trọng phát triển các ngành và sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có giá trị xuất khẩu lớn theo hướng phát huy tốt nhất lợi thế so sánh, nguồn lực sẵn có.
Theo ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương, ngoài nguồn kinh phí khuyến công địa phương và quốc gia thì hơn 72% là vốn đóng góp của doanh nghiệp, cơ sở CNNT. Từ đó có thể thấy, nguồn kinh phí khuyến công đã phát huy tốt vai trò “vốn mồi” khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Việc hỗ trợ một phần kinh phí khuyến công đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT, tạo bước đệm và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và khơi dậy tiềm năng phát triển một số ngành nghề có lợi thế.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm