Sau một thời gian phát triển với nhịp độ cao, thị trường bất động sản Việt Nam đã chững lại.
Giao dịch trầm lắng, nhiều biểu hiện yếu kém đã lộ diện, như sự phát triển thiếu lành mạnh, chưa căn cứ vào nhu cầu, chưa có quy hoạch, kế hoạch nên thiếu tính đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng dẫn tới cơ cấu hàng hóa bất động sản nhà ở mất cân đối, giá cả vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp và tình trạng đầu cơ, kích giá vẫn còn phổ biến.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, phát triển nhà ở vẫn nặng về xu hướng thương mại, chưa có sự quan tâm đúng mức đến nhu cầu nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp.
Các căn biệt thự tại Thiên Đường Bảo Sơn, Hoài Đức, Hà Nội vẫn đang dở dang. |
Thị trường nhà ở phi hàng hóa có sự can thiệp của Nhà nước dành cho các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp tại đô thị vẫn chưa được đáp ứng và còn nhiều khó khăn nên ảnh hưởng lớn tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội do Đảng và Nhà nước chủ trương thực hiện.
Mấu chốt vẫn là do việc huy động nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế. Khung pháp lý của thị trường bất động sản mặc dù đang từng bước được hoàn thiện, bổ sung và sửa đổi, nhưng vẫn còn nhiều bất cập và chồng chéo.
Những cơ chế chính sách quan trọng như huy động nguồn tài chính dài hạn để phát triển thị trường bất động sản, chính sách về thuế giao dịch, thuế tài sản, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở để cho thuê cũng như cơ chế quản lý vận hành các khu nhà ở, khu đô thị, khu dân cư sau khi đầu tư… vẫn thiếu.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2012 của Bộ Xây dựng tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo việc phát triển thị trường bất động sản lành mạnh để thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực kinh tế khác có liên quan cùng tăng trưởng là nhiệm vụ quan trọng của ngành xây dựng trong thời gian tới.
Một trong những gợi ý từ phía Chính phủ là cần đa dạng hóa các phương thức phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể như Nhà nước đầu tư nhà ở cho thuê giá rẻ; đầu tư theo hình thức hợp tác PPP hoặc BT với các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các đối tác này đầu tư nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người thu nhập thấp tại đô thị hoặc hỗ trợ người nghèo tại khu vực nông thôn, khu vực thường xuyên bị thiên tai để cải thiện nhà ở…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, với việc thực hiện quyết liệt Chỉ thị 2196/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản, ngành xây dựng sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát thị trường, nâng cao vai trò, trách nhiệm của quản lý Nhà nước cấp Trung ương trong việc kiểm tra, thẩm định và cho phép đầu tư các dự án phát triển đô thị, đồng thời tái cơ cấu hàng hóa bất động sản phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh các giải pháp trên, ngành sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn về xác định giá đất, về thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài ra, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu và ban hành các định chế tài chính mới như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư bất động sản nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường, đồng thời đề xuất thuế bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ. Đây sẽ là các công cụ pháp lý để tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai và bất động sản.
Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng đề xuất kiên quyết không cho phép triển khai các dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển; các dự án không có khả năng kết nối hạ tầng và cung cấp dịch vụ đô thị; thực hiện nghiêm túc quy định về hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở; kiểm soát chặt chẽ tiến độ cam kết của các chủ đầ u tư, của người mua nhà trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; đặc biệt, chú trọng việc kiểm tra quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (hay còn gọi là quỹ đất 20%) trong các dự án phát triển nhà ở thương mại.
Việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia sẽ là kim chỉ nam để thực hiện nhiều giải pháp mà một phần trong đó sẽ nhằm lành mạnh hóa thị trư ờng bất động sản. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả chiếc lược này cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ cấp quản lý Nhà nước đến các tổ chức chính trị và xã hội, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân để cùng chung tay phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định và bền vững.
Theo TTXVN