Sáng 4-10, Đoàn Giám sát do Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai cùng các Sở, ngành có liên quan đã tổ chức Hội nghị đánh giá Kết quả giám sát việc triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ dành cho lĩnh vực y tế sau 3 ngày đi khảo sát thực tế tại các Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Kbang, Kông Chro, Đức Cơ, Chư Pah.
Theo đánh giá chung của Đoàn: “Nhờ nguồn vốn này mà cơ sở vật chất tại các BVĐK tuyến huyện đã đầy đủ và hiện đại hơn. Song tồn tại và khó khăn vẫn còn, nhất là sự thiếu đồng bộ trong đầu tư ở nhiều công trình…”.
Nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ dành cho lĩnh vực y tế nhằm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, mua sắm trang- thiết bị và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế của các bệnh viện huyện và đa khoa khu vực; các dịch vụ y tế được về gần dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ y tế, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Nguồn vốn được phân bổ cho UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến huyện; Sở Y tế làm chủ đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Chư Prông, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Nhi và mua sắm trang- thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện; khu điều trị Nội- tổng hợp (BVĐK tỉnh) và trang- thiết bị BVĐK tỉnh do BVĐK tỉnh làm chủ đầu tư; Ban xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh chủ đầu tư Bệnh viện Lao- Phổi.
Ảnh: Kim Linh |
Nhìn chung, theo đánh giá của đoàn giám sát, nhờ nguồn vốn này, cơ sở hạ tầng các BVĐK đã được sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới khang trang phương tiện kỹ thuật khám- chữa bệnh phục vụ tốt hơn yêu cầu khám- chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bước đầu giải quyết được tình trạng quá tải, thiếu trang- thiết bị y khoa điều trị. Trong 4 năm (2008-2011), tỉnh đã sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ gồm 248 tỷ đồng đầu tư xây dựng 12 bệnh viện tuyến huyện và mua sắm trang- thiết bị cho 10 BVĐK cả tuyến huyện lẫn tỉnh. Tính đến hết quý II năm 2011, tiến độ giải ngân nguồn vốn đạt trên 187,5 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch.
Tuy nhiên qua khảo sát, kiểm tra thực tế và giám sát phát hiện một số tồn tại, hạn chế khiến hiệu quả của việc thực hiện nguồn vốn đầu tư dành cho lĩnh vực y tế giảm đi đáng kể. Hiện vẫn còn 3 dự án chưa hoàn thành theo kế hoạch, đó là khu điều trị Nội tổng hợp- BVĐK tỉnh do nhà thầu chây ỳ, chỉ thi công cầm chừng; Bệnh viện Nhi tỉnh do điều chỉnh quy mô và địa điểm (từ 200 giường lên 350 giường và có Khoa Sản; địa điểm từ Bệnh viện Y học Cổ truyền chuyển đến xã Trà Đa), nếu năm 2012 vẫn chưa triển khai được sẽ có nguy cơ mất vốn. Bệnh viện Tâm thần tỉnh tuy được phê duyệt năm 2009 nhưng do phải tách khoa điều trị nam và nữ nên đến tháng 7-2011, UBND tỉnh mới phê duyệt lại dự án và các hạng mục thi công. Việc đầu tư phần xây dựng và phần cung ứng trang- thiết bị không cùng thời điểm cũng gây khó khăn trong công tác khám- chữa bệnh.
Như Bệnh viện Lao- Phổi tỉnh, đã hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2010 nhưng vẫn thiếu trang- thiết bị cần thiết. Riêng BVĐK Chư Pah được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải rắn, lỏng y tế nhưng không có hệ thống thu gom nước thải y tế nên công trình dù hoàn thành mà vẫn không hoạt động, gây lãng phí. Đáng buồn là việc Trung ương thu hồi gần 16 tỷ đồng năm 2010 do tiến độ giải ngân các công trình chậm so với kế hoạch, trong khi đó, tới nay, BVĐK thành phố Pleiku (một công trình vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư), dù đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn nợ nhà thầu 3,291 tỷ đồng.
Qua các ý kiến thảo luận, đồng chí Phan Xuân Trường- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh đã đề nghị các sở, ngành liên quan quan tâm hơn nữa đến việc khảo sát thực tế tại địa phương trước khi tiến hành lập dự án để có giải pháp đầu tư đồng bộ, tránh lãng phí; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, đặc biệt là định suất đầu tư xây dựng các công trình y tế, tiêu chuẩn trang- thiết bị y tế, tiêu chuẩn thiết kế các cơ sở y tế phù hợp với tuyến huyện cũng như khả năng khai thác, sử dụng của cán bộ y tế. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở khám- chữa bệnh bảo quản, sử dụng trang- thiết bị y tế một cách hợp lý.
Kim Linh