Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, cần có tiêu chí được định lượng rõ ràng để đánh giá các dự án ưu tiên phân bổ đầu tư công.
Trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã có nguyên tắc đánh giá những dự án được ưu tiên lựa chọn đưa vào kế hoạch hàng năm để phân bổ vốn. Tuy nhiên, nguyên tắc lựa chọn dự án được ưu tiên vẫn còn chưa cụ thể. Có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, cần có tiêu chí được định lượng rõ ràng để đánh giá các dự án đầu tư công được ưu tiên lựa chọn đưa vào kế hoạch hàng năm.
Cần có tiêu chí định lượng để "chấm điểm" dự án ưu tiên phân bổ đầu tư công. (Ảnh minh hoạ: KT) |
Về vấn đề này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV bên hành lang Quốc hội trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần phải thay đổi quy trình lựa chọn dự án đầu tư công. Vậy cụ thể cần sự thay đổi như thế nào, thưa ông?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Với đầu tư công, hiện chúng ta có một cách thực hiện dự án trong kế hoạch 5 năm. Trong kế hoạch 5 năm thì có danh mục phân bổ hạn ngạch vốn, có nghĩa giao số vốn kế hoạch để hình thành lên danh mục các dự án đầu tư công. Danh mục này gọi là danh mục đầu tư công trong kế hoạch 5 năm.
Cho đến nay, việc quyết định danh mục này vẫn đang có sự tranh luận, đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hay Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, theo ý kiến của đông đảo đại biểu và cử tri thì Quốc hội sẽ đảm nhiệm việc này; sau khi có được danh mục 5 năm thì sẽ có kế hoạch hàng năm. Sau đó, sẽ lấy từ danh mục của kế hoạch 5 năm để đưa thành danh mục hàng năm thực hiện và khi đó dự án mới được giao vốn, mới được phân bổ vốn và khi được phân bổ vốn thì người ta mới có thể tiến hành triển khai được.
Rõ ràng trong Luật Đầu tư công, chúng ta có nguyên tắc những dự án như thế nào sẽ được ưu tiên lựa chọn đưa vào kế hoạch hàng năm để phân bổ. Thí dụ, những dự án nào là trọng điểm quốc gia; những dự án thuộc về chương trình mục tiêu hoặc những dự án thuộc giai đoạn có chính sách ưu tiên như phát triển dân tộc, phát triển xóa đói giảm nghèo,…thì sẽ theo nguyên tắc ưu tiên.
Như vậy, dựa vào nguyên tắc đó để lựa chọn dự án được ưu tiên trước để đưa vào danh mục đầu tư hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay nếu chúng ta chỉ dừng lại ở cách phân loại như thế thì vẫn chưa được cụ thể bởi khi ở cùng hạng mục như vậy có rất nhiều dự án cùng được ưu tiên. Cũng chính vì lý do đó nên tại các phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều đại biểu nêu vấn đề "tại sao dự án của tôi quan trọng như vậy mà không được đầu tư, hoặc dự án được ưu tiên như vậy sao không được đầu tư?"...
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường |
PV: Vậy theo ông, giải pháp để phân loại các dự án này là gì?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Câu chuyện ở đây là chúng ta chưa có những định lượng để phân loại dự án này quan trọng hơn dự án kia, hay ngược lại; đó chính là tiêu chí để đo lường, phân loại các dự án quan trọng hơn và xếp thứ tự ưu tiên.
Thông thường, khi có tiêu chí định lượng, chúng ta sẽ dùng tiêu chí đó để cho điểm, dự án nào điểm cao đương nhiên sẽ được chọn trước và ngược lại dự án điểm thấp sẽ chọn sau. Như vậy, nếu chúng ta có tiêu chí định lượng sau đó cho điểm theo tiêu chí thì các đơn vị trình dự án sẽ biết ngay dự án của mình có được ưu tiên hay không và có được đưa vào kế hoạch đầu tư hay không hoặc nếu muốn được đưa vào, dự án sẽ phải thay đổi những gì để điểm được nâng cao lên.
Tôi cho rằng, chúng ta cần có tiêu chí được định lượng rõ ràng làm tiêu chí để đánh giá các dự án ưu tiên.
PV: Ông có thể nêu ví dụ các tiêu chí cụ thể hơn?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Về tiêu chí định lượng, hiện nay ngân hàng thế giới đã có gợi ý cho chúng ta. Ví dụ, đối với lĩnh vực kinh doanh thì tiêu chí quan trọng là hiệu quả đầu tư, là giá như thế nào, thời gian thu hồi vốn là bao nhiêu, hệ thống các chỉ số tác động lan tỏa là bao nhiêu,...từ đó người ta có thể tính ra được các con số để so sánh.
Với các tiêu chí về mặt xã hội, nếu như đầu tư vào dự án này mức độ lan tỏa của nó sẽ đến với bao nhiêu người được hưởng thụ cho hợp đồng đầu tư, đồng thời nó sẽ tác động để làm thay đổi điều kiện tới xã hội như thế nào - người ta sẽ tính tác động đó để quy ra thang điểm.
Hoặc về khả năng phòng tránh của dự án, nếu ta đầu tư vào dự án này nó sẽ mang lại khả năng phòng tránh thiệt hại khác, ví dụ sẽ tránh được thiên tai hoặc tránh được những rủi ro cho con người như thế nào,…Như vậy người ta sẽ tính thang điểm là những chi phí để phòng tránh thiệt hại.
Rõ ràng ở điểm này, Chính phủ phải ban hành ra các tiêu chí đó và dựa vào tiêu chí này để đánh giá. Tất cả các đơn vị khi xây dựng dự án người ta sẽ phải tính tiêu chí đó và quan trọng nhất, đó là Quốc hội sẽ cân nhắc chuyện trọng số cho điểm.
Ví dụ, trong thời điểm này ưu tiên số 1 là phòng chống thiên tai thì những dự án nào thuộc về thiên tai sẽ có hệ số điểm cao lên; nhưng giai đoạn sau dự án cần ưu tiên số 1 lại thuộc về xóa đói giảm nghèo, thì những ưu tiên lại dành cho dự án có hệ số phòng tránh rủi ro cho người dân sẽ có trọng điểm cao hơn. Nếu chúng ta căn cứ và tiêu chí định lượng như thế thì sẽ không có chuyện xin - cho như đã diễn ra.
Tuy nhiên, tiêu chí này không phải chỉ để dùng cho việc chọn dự án vào mà sau khi dự án đã được đầu tư, dự án đó sẽ tác động và mang lại những kết quả gì khi đó chúng ta cần đánh giá lại vấn đề hiệu quả có đúng như vậy không.
Rõ ràng tiêu chí định lượng là vô cùng quan trọng, song hiện nay chúng ta mới đưa từ "tiêu chí" vào trong Luật đó là "dựa vào nguyên tắc tiêu chí" nhưng tiêu chí cụ thể là gì thì hiện nay chúng ta chưa có.
PV: Xin cảm ơn ông!.
Trần Ngọc/VOV.VN