(GLO)- Như các phương tiện truyền thông vẫn đề cập, Việt Nam đang trong tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Có lẽ đó là một tín hiệu cho thấy ta đang trên đường phát triển.
Chủ trương của Chính phủ là đẩy mạnh công tác dạy nghề nông thôn, đảm bảo đến năm 2020 phải có 45% lao động khu vực này đã qua học nghề (tương đương 6 triệu lao động). Đó là chủ trương đúng và rất tốt. Hiện tại, mỗi tỉnh hàng năm được giao chỉ tiêu đào tạo 5.000-10.000 người. Có thể thấy, người được đào tạo nghề không ít, nhưng trên thực tế việc hành nghề không nhiều và công dụng chưa lớn.
Tôi rất tâm đắc với một tiêu thức dạy nghề của người phương Tây, áp dụng trong TOT (thực nghiệp, nông dân dạy nông dân) là: 50% ý thức, 35% kỹ năng, 15% kiến thức. Như vậy, để thành công, người học nghề rất cần được “truyền lửa” để có ý thức vươn lên, ý thức trách nhiệm trong công việc, cần được dạy đủ kỹ năng theo sở trường, nguyện vọng để có tay nghề tốt và cuối cùng là có trình độ nghề, kiến thức nghề.
Hướng dẫn thanh niên nông thôn sửa chữa máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: L.T |
Ở nước ta bây giờ, đa số giáo trình, học trình và phương thức dạy chủ yếu là nhồi nhét kiến thức, hầu hết mang tính bác học. Không khơi dậy, trao truyền ý thức, trách nhiệm, ít chú ý kỹ năng tay nghề. Mục đích cuối cùng của người dạy là sử dụng hết thời gian theo giáo án, mục đích cuối cùng của người học là cầm được cái chứng chỉ bỏ túi.
Tôi đã đọc nhiều giáo trình dạy nghề, cũng đã được ngồi nghiệm thu giáo trình dạy nghề. Có cảm giác là giáo trình dài quá, nhiều vấn đề quá, sâu quá, thiếu thiết thực với người học. Đơn cử, giáo trình dạy nông dân nuôi gà dày 500 trang, kỹ sư đọc cũng toát mồ hôi, đừng nói nông dân. Người viết bài này đã từng soạn nhiều bài giảng kỹ thuật nông nghiệp chỉ khoảng 15 trang. Ví như nuôi gà gồm: giống, thức ăn, chuồng trại, vệ sinh phòng-chống dịch bệnh khoảng chừng ấy trang, nhưng khi đứng lớp đã bị các bác nông dân bảo “dài quá, khó hiểu lắm bác ơi”. Quả là khó, không biết nếu bê hẳn giáo trình chính quy vào thì truyền đạt làm sao. Mà tôi là người rất trọng thực tế, bắt tay làm hẳn hoi rồi mới viết, mới rao giảng, cả kinh nghiệm, thành công lẫn thất bại của chính mình. Đằng này, có những người dạy nghề nông dân là kỹ sư mới toanh, chưa từng cầm cuốc, cầm kim; có người đứng lớp thao thao bất tuyệt theo giáo trình, được quyền nói cứ nói, đến lúc nông dân hỏi lại thì... tịt. Tất nhiên nghĩ lại cũng có cái bí. Vì từ việc viết giáo trình, giáo án đến việc giảng dạy nghề, tất tần tật đều được lập trình, phải thế, phải thế... Viết giáo trình phải theo đúng định mức trang như người viết báo cáo đề tài khoa học. Có thế mới quyết toán được, mà kinh phí thù lao thì phải tính trang lấy tiền.
Bằng cấp quan trọng, nhưng cái chất của người lao động quan trọng hơn. Nghe nói ở các nước phát triển, muốn bán quầy nước, xe bánh mì... cũng cần có chứng chỉ. Có lẽ từ đó người bán những thứ ấy đủ hiểu rằng không được làm những gì gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Xã hội phát triển họ rất duy lý. Điều đó ngăn con người ta làm ẩu, làm mà không đoái hoài đến lợi ích và hậu họa gây ra cho cộng đồng, cho những người liên quan.
Ở ta, việc dạy nghề, điều kiện hành nghề có lẽ còn lâu mới đạt cái đích đó. Nói đâu xa, trong ngành xây dựng dân sinh, tôi nhớ nhất một số lần làm chủ đầu tư. 2 lần đầu xây dựng từ nguồn ngân sách. Một công trình do anh chủ thầu trẻ thuộc đơn vị nhà nước nhận, làm bạt mạng, nhưng nhậu được. Cấp quyết toán và anh em đơn vị rất thích, nhưng chất lượng công trình thì... kém. Lần khác, rút kinh nghiệm mời một chủ thầu tư nhân. Người này tỉ mỉ, chi li. Ông rất nghiêm khắc với công nhân, bao đựng xi măng đều bắt tháo chỉ thẳng thớm, gấp lại cho ông đưa về. Rất nhiều người khinh khi, nghĩ rằng ông keo kiệt. Ấy thế nhưng công trình lại cực tốt. Có lẽ đó là biện pháp chống ăn cắp xi măng trong thời buổi coi công trình xây dựng là của chùa, hở ra là biến vật liệu thành rượu bia để nhậu.
Giáo viên và học viên Trường Trung cấp Nghề Ayun Pa trong một giờ thực hành. Ảnh: Đức Thụy |
Gia đình tôi cũng có đôi lần xây nhà. Lần đầu còn nghèo khó nên mời vợ chồng một anh thầu tầm tầm thôi, nhưng là người cứ để nhớ mãi trong đời. Buổi chiều, hễ anh chồng cùng tốp thợ làm đến đâu, chị vợ lại căn trộn vật liệu để đến 17 giờ nghỉ là vừa sít. Công nhân nghỉ, vợ chủ thầu đi gom nhặt từng hột vữa rơi rớt, nhằm giảm thiểu tổn thất cho chủ nhà. Hôm nào nhỡ trộn nhiều vữa, chị vợ chủ thầu liền thẽ thọt: “Bác ơi, em xin mấy chục ngàn bún cho anh em họ ráng hết hồ”. Ok, rất mừng. Lại có lần làm nhà, anh xây cứ xây, anh trộn hồ cứ trộn. Hồ rơi rớt thừa mứa, hôm sau phải đổ đi cả hàng xe rùa. Tiếc quá. Nhưng thợ xây, phụ hồ lại rất vô cảm. Không biết từ bao giờ, thợ trở nên kiêu và phung phí. Hết thứ gì cứ thế gọi chủ. Là tôi nói thầu dân sinh hạng mục nhỏ. Thầu lớn bây giờ có xe tự hành, có máy trộn bê tông hiện đại chắc là tốt hơn.
Về kiến thức cũng kém. Thợ xây dân sinh cứ tưởng tượng, áng chừng là làm. Chẳng cần biết đến vấn đề chịu lực, mỹ quan, bản vẽ thiết kế gì hết... Nói như thế để thấy người lao động có vấn đề.
Hồi trước, tôi hay tiếp xúc với các loại thợ, nhất là thợ mộc, thợ xây. Họ không được đào tạo như bây giờ. Người học nghề chỉ được trao truyền kiến thức, kỹ năng theo lối truyền nghề của nghệ nhân. Thế mà họ làm công trình nào cũng ưng, cũng đẹp. Tôi nhớ trong thợ làm nhà dân sinh, các tốp thợ có câu: “Vừa mắt thợ thì vừa mắt chủ”. Nghĩa là, thợ thấy đẹp, thấy chắc, thấy tốt, thấy tiết kiệm, thấy hợp lý thì chủ nhà cũng sẽ ưng ý. Chủ nhà ít có kiến thức xây dựng nên hầu như phó thác toàn bộ công trình cho thợ. Ngược lại, thợ mộc, thợ xây cũng luôn coi những ngôi nhà mình đang xây là nhà của họ. Phải làm cho tốt, cho chắc, cho hợp lý, cho mỹ quan với đời. Cái trình độ và đạo đức nghề nghiệp của các phó cả ngày xưa thật là đáng noi gương học tập. Chưa kể, ngày xưa người thợ giỏi thì gọi là phó cả. Họ quan niệm thợ chỉ là phó, là giúp việc cho chủ nhà!
Bây giờ rõ là thiếu thợ, nhất là thợ lành nghề. Nhưng tôi vẫn nghĩ, đội ngũ thợ phải được chú trọng đào tạo về đạo đức nghề nghiệp, lương tâm nghề nghiệp, trước cả kỹ năng tay nghề và kiến thức nghề. Không nên chỉ đào tạo nghề bằng sách giáo trình, giáo án rập khuôn như hiện nay, dễ tạo ra những người lao động nghề méo mó, khó dùng.
Phạm Đức Long