Nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, ông Vũ Oanh - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương - đã có những chia sẻ về những ký ức những năm tháng làm công tác dân vận. Trong đó, có Nghị quyết 8B: “Đổi mới công tác quần chúng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”. Nghị quyết giống như một “bó đuốc” soi rọi công tác dân vận thời kỳ đổi mới.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương Vũ Oanh. Ảnh: Trần Vương |
“Bó đuốc” soi đường cho công tác dân vận thời kỳ đổi mới
Ông Vũ Oanh (tên thật là Vũ Duy Trương, sinh năm 1924, tại xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương.
Trao đổi với phóng viên về thời gian làm công tác dân vận, ông Vũ Oanh cho biết, thời điểm ông được giao phụ trách công tác dân vận của Đảng vào khoảng tháng 11.1989. Trước yêu cầu thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới thắng lợi đòi hỏi phải đổi mới công tác dân vận để tạo ra phong trào cách mạng mạnh mẽ, sôi nổi của nhân dân thực hiện chủ trương, nhiệm vụ chính trị của Đảng.
Trên cương vị mới, ông bắt tay ngay vào công việc. Nhận thấy thời điểm ấy, công tác dân vận có phần đi xuống, ông băn khoăn đi tìm nguyên nhân. Ông phát hiện từ năm 1984 đến 1989, Đảng ta chưa có nghị quyết riêng về công tác dân vận. Ông suy nghĩ và đề nghị với Trung ương Đảng cần phải có nghị quyết riêng về công tác này. Chủ trương này được đưa ra thảo luận ở Hội nghị Ban Bí thư. Sau đó, Thường trực Ban Bí thư đã quyết định thành lập Ban Soạn thảo nghị quyết, giao cho ông làm Trưởng ban.
Bằng thực tiễn công tác, vận dụng vốn lý luận, ông đã đúc kết và hoàn thành bản dự thảo viết tay 32 trang gửi cho Tổ Biên tập. Sau đó, Ban Soạn thảo đã thảo luận, góp ý xây dựng dự thảo nghị quyết trình Ban Bí thư rồi công bố rộng rãi trên các báo để lấy ý kiến nhân dân. Ngày 27.3.1990, Nghị quyết 8B về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân” đã được Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI thông qua.
Nhắc tới nhiều vấn đề, song ông Vũ Oanh điểm lại 4 điều cốt lõi của Nghị quyết 8B, trong đó nhấn mạnh những vấn đề bản chất, có ý nghĩa chiến lược của công tác dân vận. Những điểm cốt lõi của Nghị quyết được nêu đó là: Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.
“Nghị quyết 8B ra đời, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”
“Nghị quyết 8B ra đời, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Nghị quyết ra đời với một tư duy đổi mới tạo ra có sức mạnh lớn trong công tác dân vận của Đảng. Nghị quyết giống như có một bó đuốc soi rọi để cả một bộ máy, một hệ thống chuyển động theo một cách thống nhất hiệu quả cao, tạo ra sức mạnh tổng hợp” - ông Vũ Oanh nhớ lại.
Từ việc có Nghị quyết nhưng tổ chức thực hiện thế nào cũng cần nhiều quyết tâm. Ông Vũ Oanh khi đó thấy cần phổ biến rộng rãi nghị quyết trong nhân dân. Ông viết bài đăng báo “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân”. Sau đó Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã in bài này trong cuốn sách: “Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”.
Theo ông Vũ Oanh, việc đổi mới công tác dân vận là nhân tố quyết định sự thắng lợi của công cuộc đổi mới và toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Trước hết, phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt phương thức dân chủ trong chủ trương, chính sách, pháp luật. Phải tập hợp được trí tuệ của dân, các chủ trương, chính sách của Đảng cần được trưng cầu ý kiến của dân. Đảng phải dân chủ trong việc lựa chọn, đề bạt cán bộ. Đảng viên phải tiên phong gương mẫu, gắn bó với dân “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Vận động mọi người làm nghĩa vụ với Nhà nước, gắn lợi ích của Nhà nước với các lợi ích của người lao động. Thực hiện chế độ lấy ý kiến của dân đối với các vấn đề quốc kế dân sinh, giải quyết kịp thời yêu cầu chính đáng của dân, làm cho mọi người dân thấm nhuần chủ trương của Đảng.
Ông Vũ Oanh khẳng định, Nghị quyết 8B khẳng định quan điểm: “Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân”. Đấy là quan điểm đổi mới cơ bản, giúp cho cán bộ đảng viên không quan liêu, mệnh lệnh, chỉ thấy quyền lực của mình mà không thấy vai trò của nhân dân, không cửa quyền, đứng trên nhân dân, không lắng nghe ý kiến của dân. Trong giai đoạn cách mạng mới, các hình thức tập hợp nhân dân cũng phải đa dạng. Có như vậy mới phát huy khả năng sáng tạo của nhân dân.
Đã 30 năm trôi qua, nhưng những vấn đề về đổi mới công tác dân vận trong Nghị quyết 8B đến nay vẫn còn tính thời sự nóng bỏng. Nghị quyết 8B là bước chuyển kịp thời nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong tình hình mới, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên quan liêu, mệnh lệnh, xa dân, chuyên quyền, độc đoán, tham ô, hối lộ, sống xa hoa, lãng phí, làm giảm nhiệt tình cách mạng, hạn chế việc phát huy khả năng to lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước. Những tâm huyết của ông về đổi mới công tác dân vận đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Với công lao và sự đóng góp trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất ghi nhận “Có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Năm 2020, ông Vũ Oanh được vinh danh là 1 trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú. |
https://laodong.vn/thoi-su/dang-vien-phai-tien-phong-guong-mau-gan-bo-voi-dan-845117.ldo
Theo VƯƠNG TRẦN (LĐO)