Đang làm khó nông sản Mỹ thì Trung Quốc bị sâu lạ tấn công

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
 
Nỗi buồn của một nông dân Trung Quốc khi mùa màng thất bát
Trung Quốc vừa đình chỉ nhập khẩu nông sản Mỹ nên đang sốt sắng tìm nguồn cung thay thế. Giữa lúc đó thì sâu bệnh hoành hành diện rộng ở các vựa nông sản miền nam.
Các nông dân khu vực tây nam Trung Quốc đang hoang mang trước dịch hại sâu bệnh mới ghê gớm tấn công mùa màng năm nay. “Tôi không biết chúng là thứ gì”, Yan Wenliu, một nông dân 36 tuổi đến từ huyện Mạnh Hải thuộc tỉnh Vân Nam cho biết. “Nhưng chúng lớn hơn những con sâu khác. Tôi chưa bao giờ thấy loại sâu này trước đây”.
Sinh vật mà Yan không thể gọi tên là sâu keo mùa thu hay sâu keo hại ngô (Danh pháp khoa học: Spodoptera frugiperda là một loài bướm đêm trong họ Noctuidae. Trong giai doạn biến thái sâu của chúng, loài này được xem là loài gây hại cho nông nghiệp, tàn phá cây ngô).
Sâu keo mùa thu tấn công mùa màng phía nam Trung Quốc có 'nguyên quán từ Myanmar' đã gây ra dịch hại phá hoại một khu vực sâu hơn 3.000 km (1.865 dặm) kể từ khi thâm nhập qua biên giới cách đây 7 tháng. Hiện chúng đã có mặt ở 21 tỉnh và khu vực ở Trung Quốc và tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sản lượng ngũ cốc.
Chỉ riêng ở Vân Nam, nơi đầu tiên ở Trung Quốc bị sâu bệnh tấn công, khoảng 1,29 triệu mu (86.000 ha) đã bị ảnh hưởng vào giữa tháng 6, bao gồm ngô, mía, lúa miến và gừng.
Sâu keo mùa thu được phát hiện đầu tiên ở châu Mỹ, đã lan khắp châu Phi và châu Á kể từ năm 2016. Khi hóa thân thành bướm, chúng bay xa đến 100 km (60 dặm) một đêm. Chúng khó có thể bị xóa sổ và việc kiểm soát chúng vừa tốn kém, vừa khó khăn.
Điều này đặt ra một thách thức ghê gớm ở Trung Quốc, nơi khoảng 90% sản lượng cây trồng đến từ các trang trại nhỏ dưới một ha (2,5 mẫu Anh) và chủ đất là các nông dân thiếu kiến ​​thức cũng như công cụ cơ bản để khắc phục sâu bệnh.
Bắc Kinh đã cảnh báo hồi đầu năm nay rằng sâu keo mùa thu là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh lương thực của đất nước. Vào tháng 5, Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch diệt côn trùng có hại. Hàng triệu nhân dân tệ đã được phân bổ cho các khu vực bị ảnh hưởng và các chuyên gia được cử đến để trang bị kỹ thuật cho nông dân.
Tại Vân Nam, chính quyền đã thiết lập 3.500 địa điểm giám sát tại các phòng nông nghiệp địa phương và tiến hành kiểm tra thực địa thường xuyên. Chính quyền địa phương cũng đã cung cấp tài liệu cho nông dân và các đại lý thuốc trừ sâu về nhận dạng và phòng chống sâu keo mùa thu.
Nhưng việc trả tiền mua thuốc trừ sâu với số lượng cần thiết đã khiến nhiều nông dân không thể kham nổi. Hơn nữa, việc dùng thuốc trừ sâu đối phó với sâu keo mùa thu đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp và đôi khi việc dùng không đúng liều lượng, không đúng giai đoạn hay dùng trộn với các loại thuốc trừ sâu khác lại khiến sâu keo mùa thu nhờn thuốc. Điều đó đồng nghĩa với việc ném tiền trừ sâu qua cửa sổ.
“Bạn không thể nào giết chết nổi chúng đâu”, Yan Hannen, một nông dân 44 tuổi, đến từ làng Nuodong gần đó nói. “Tôi đã làm đồng được 20 năm nhưng chưa bao giờ thấy con sâu nào thế này”, Yan rất thất vọng khi đã phun thuốc trừ sâu nhiều lần cho vụ ngô, nhưng sản lượng giảm gần một nửa. “Cán bộ bảo tôi dùng một thùng nhưng tôi phun hẳn ba thùng. Vậy mà vẫn không ăn thua. Có thể làm gì bây giờ?”
Chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị để giới thiệu ngắn gọn cho nông dân về dịch hại và dân làng đã cải thiện cách tiếp cận sử dụng thuốc trừ sâu, Yan Xiangwa, một quan chức làng ở Nuodong cho biết. Có thể nói đối với những người nông dân đã chiến đấu với hạn hán nghiêm trọng trong năm nay, mối đe dọa mới nhất đã khiến toàn bộ sinh kế của họ càng điêu linh.
Dân làng có xu hướng từ bỏ việc phun thuốc bảo vệ thực vật do chi phí cao, chính quyền tỉnh Vân Nam cho biết trong một báo cáo hồi tháng trước. Báo cáo nói thêm rằng nguồn nhân lực địa phương để giúp người dân bảo vệ mùa màng cũng thiếu hụt nghiêm trọng.
Yu Xianger, một nông dân khác ở Nuodong, đã phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng ngô rộng 2 mu (0,13 ha) của mình mà không có kết quả gì. Chán nản với đồng ruộng, Yu đang suy nghĩ về việc lên thành phố tìm kiếm việc làm. “Bọn sâu đã tàn phá mùa màng ngô của tôi trong năm nay. Và ở lại, tôi không thể làm gì khác”, Yu nói.
Các chuyên gia nói rằng cuộc chiến chống lại sâu keo mùa thu là khó khăn vì chúng rất cứng đầu. Giỏi trong việc ẩn nấp, loài vật gây hại này rất khó phát hiện vào ban ngày và chúng chỉ hoạt động mạnh về ban đêm khi tấn công thực vật hay di chuyển.
Những người nông dân địa phương ở đây vốn không có thói quen sử dụng nhiều thuốc trừ sâu trước đó và sẽ không mua thuốc trừ sâu cho đến khi họ nhìn thấy những chúng. Điều đó có nghĩa là họ đã bỏ lỡ thời điểm tốt nhất để giết chúng, một chuyên gia về thực vật ở Vân Nam cho biết.
Dân làng thường phản ứng chậm với sự xuất hiện của sâu keo mùa thu, một phần do họ không nhận được cảnh báo mang tính hệ thống của các ban ngành. Hiện giờ chính quyền cho biết đang triển khai hệ thống này. Chẳng hạn, Văn phòng nông nghiệp Vân Nam cho biết họ đã thiết lập hệ thống hơn 30.000 đơn vị cảnh báo như vậy trong tỉnh và liên tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị chống lại sâu bệnh, liên quan đến hóa chất và thiên địch.
Trong khi một số ngôi làng đang vật lộn với sâu bệnh, chính quyền nói rằng tỉnh hầu như đã quản lý vấn đề này. Chính quyền nói thiệt hại đã được kiểm soát một cách hiệu quả tại Vân Nam, với tổng thiệt hại mùa vụ ngô chỉ giới hạn trong phạm vi 5%. Đồng thời, sản lượng thóc mùa hè năm nay tại Vân Nam đã tăng 16.200 tấn so với năm trước.
Mặc dù có vấn đề ở miền nam, nhưng triển vọng của khu vực sản xuất ngô chính của Trung Quốc ở phía bắc lại tốt hơn nhiều, ông Gao- giáo sư sinh thái côn trùng tại Đại học Nông nghiệp Nam Kinh cho biết.
Các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa đã mang lại cho khu vực chiếm hơn 70% sản lượng ngô của Trung Quốc, thêm thời gian để chuẩn bị đối phó sâu bệnh. Sâu keo mùa thu hiện vẫn chưa đến được các tỉnh phía đông bắc như Hắc Long Giang, nơi trồng ngũ cốc hàng đầu và một số chuyên gia tin rằng nhiệt độ thấp tại đây sẽ giúp hạn chế, ngăn chặn dịch sâu bệnh.
Tuy nhiên, trở lại Vân Nam, nông dân Yan Hannei đang suy nghĩ về việc chuyển sang các loại cây khác như rau. “Tôi đã mất rất nhiều tiền trong năm nay. Giờ có thể làm gì? Tôi chỉ có thể ngừng trồng ngô và chuyển sang trồng thứ khác”.
Nói tóm lại, sâu dịch phá hoại mùa màng phía nam Trung Quốc là có thật, chính quyền địa phương tỏ ra lạc quan trong việc kiểm soát tình hình nhưng người nông dân lại đang vô cùng bi quan. Sâu dịch sẽ làm Trung Quốc chịu thêm gánh nặng trong lúc giá thực phẩm đang tăng vọt do Bắc Kinh vừa đình chỉ nhập khẩu nông sản Mỹ.
Anh Tú (Motthegioi.vn/theo Reuters)

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.