"Hô biến" nông sản Trung Quốc thành hàng Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những vụ việc khoai tây Trung Quốc được “ngụy trang” bằng đất Đà Lạt để tiêu thụ dưới danh nghĩa đặc sản Lâm Đồng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi thực tế, tình trạng này đã diễn ra từ lâu mà chưa có giải pháp tháo gỡ.
Tràn lan hàng “đội lốt”
Một báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) gửi Bộ Công Thương mới đây cho thấy, hiện tượng nhiều hàng hóa nông sản nhập khẩu rồi đội lốt nông sản Việt đang diễn ra khá phổ biến. Điển hình như khoai tây Trung Quốc trộn đất rồi mạo danh khoai tây Đà Lạt, nho Trung Quốc được bán dưới cái mác nho Ninh Thuận, táo đá Hà Giang, đào Pháp ở Bắc Hà (Lào Cai)… Lãnh đạo các địa phương này cũng khẳng định, sản lượng táo hay đào ở địa phương không lớn đến vậy để có thể xuất hiện khắp nơi, đó là hàng Trung Quốc được mạo danh.
Khoai tây Trung Quốc được nhập về, phủ đất Đà Lạt và bán ra thị trường với danh nghĩa khoai tây Đà Lạt. Ảnh: I.T
Khoai tây Trung Quốc được nhập về, phủ đất Đà Lạt và bán ra thị trường với danh nghĩa khoai tây Đà Lạt. Ảnh: I.T

"Ngoài việc tăng cường các công cụ nhận diện thương hiệu thì cũng phải đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất để hạ giá thành. Sở dĩ một số tư thương cố tình gian lận vì hiện nay chế tài chưa được rõ ràng nên khó xử lý”.

Ông Nguyễn Văn Sơn-Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng

Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện có hai hình thức đội lốt hàng Việt, một là hàng nước ngoài nhập khẩu sau đó trộn cùng với nông sản Việt Nam để bán ra thị trường; hai là thay mác để thành hàng Việt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam e ngại đối với các hàng hoá có xuất xứ từ Trung Quốc nên việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản này tại Việt Nam rất khó khăn. Trong khi đó, những mặt hàng này lại có giá rẻ, mẫu mã đẹp nên thương lái vẫn bất chấp nhập về, trà trộn với hàng Việt để thu lợi nhuận cao.
Chình vì vậy, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ: NNPTNT, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng tăng cường phòng, chống hàng hoá nhập lậu vào Việt Nam. Ngay sau đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo việc xử lý thông tin về nông sản nhập khẩu "đột lốt" hàng Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng nhập khẩu đội lốt nông sản Việt Nam. Đó là các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa không yêu cầu thương nhân phải ghi hàng hóa đối với nông sản và thủy sản bán trực tiếp cho người tiêu dùng; các quy định về truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng một cách toàn diện, triệt để đối với nông, thủy sản; pháp luật chưa có quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là sản phẩm Việt Nam.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát các quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản, thủy sản...
Tăng công cụ nhận diện thương hiệu
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận một thực tế, từ nhiều năm nay, các tư thương đã lợi dụng sự mập mờ này để rửa sạch khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó trộn đất đỏ Đà Lạt vào mang đi nơi khác tiêu thụ, khi bị phát hiện, lực lượng chức năng cũng không biết xử lý theo nghị định nào, chế tài ra sao nên rất khó xử lý dứt điểm.
Theo ông Sơn, để giữ vững thương hiệu, nông sản Đà Lạt phải đấu tranh tự vươn lên là chính. Theo đó, phải tái cơ cấu lại sản xuất để giá thành hạ, đảm bảo chất lượng và số lượng cung cấp cho thị trường.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại TP.Hà Nội lại cho rằng, việc nông sản Trung Quốc qua biên giới một cách “thoải mái” vào thị trường Việt Nam, sau đó “hóa phép” thành nông sản Việt cho thấy chuỗi sản xuất, phân phối của chúng ta rất lỏng lẻo, biện pháp phòng vệ thương mại còn rất kém.
Theo ông Phú, để hạn chế được việc nông sản Trung Quốc nhập khẩu đội lốt hàng Việt, trách nhiệm rất lớn thuộc về các cơ quan kiểm soát thương mại vùng biên giới như hải quan, biên phòng, phải làm sao khống chế được hàng nhập khẩu theo đường tiểu ngạch. Ở trong nước, lực lượng quản lý thị trường cần sâu sát hơn trong vấn đề kiểm tra, xử lý sai phạm.
Khánh Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm