Dân làng mình kính nể già Siu Quý lắm!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi tìm đến nhà già làng Siu Quý-già làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) khi mặt trời đã đứng nắng. Vì có hẹn trước, nên sáng sớm già Quý đã tranh thủ dắt 8 con trâu và 6 con bò ra bãi chăn thả và cột lại ở đó. Già bảo: “Nhà cũng có ba cậu con trai, nhưng theo phong tục của người địa phương, con trai phải đi ở rể, nên trong nhà giờ chỉ có hai vợ chồng già. Sức khỏe yếu rồi, già chỉ làm một đám ruộng nhỏ đủ lúa gạo ăn, còn chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò”. Song điều mà chúng tôi quan tâm về vị già làng này là ở sự uy tín trong cộng đồng.

Nói về cuộc sống của người dân làng Tung, già Quý cho biết: Làng Tung chủ yếu là người dân tại chỗ, chỉ có một vài hộ người Kinh đăng ký tạm trú để buôn bán tạp hóa nhỏ. Trước đây, người dân chỉ quen với cây lúa, cây mì trên nương rẫy nên đời sống còn nhiều khó khăn. Nhưng từ khi có bộ đội biên phòng, bộ đội của các công ty thuộc Binh đoàn 15 về hướng dẫn bà con cách làm lúa nước hai vụ, cánh đồng làng Tung đã hình thành và đời sống người dân cũng bớt thiếu thốn trong mùa giáp hạt.

 

Già làng Siu Quý đang trao đổi với cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Ảnh: Anh Huy
Già làng Siu Quý trao đổi với cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Ảnh: Anh Huy

Hiện tại, người dân trong làng đã biết trồng trọt nhiều loại cây trồng khác nhau, nào lúa nước, cà phê, mì, điều… tuy nhiên, mức sống của người dân vẫn chưa cao. Nguyên nhân là bởi một số ít người dân không chịu lao động, hộ thì già yếu, neo đơn, gia cảnh khó khăn, số khác vì không có đất sản xuất… Với những trường hợp như thế, già Quý thường đến tận nhà để chuyện trò, vận động, đồng thời già cũng đưa ra các tấm gương-những trường hợp cụ thể-họ cũng khó khăn, thiếu thốn, thậm chí tàn tật nhưng đã biết vươn lên, xây dựng kinh tế gia đình ấm no, hạnh phúc.

Điều đặc biệt ở vị già làng này, chính là việc già thường xuyên tham gia giải quyết các vụ mâu thuẫn, mất đoàn kết trong thôn làng, từ chuyện mất trộm con gà, con heo đến vợ chồng xô xát, làng xóm lời qua tiếng lại… và tiếng nói của già luôn là mệnh lệnh sau cùng. Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, già đã tham gia giải quyết 2 vụ mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng. Già Quý kể: Mới đây, trong làng có hai thanh niên cùng rủ nhau đi soi ếch nhưng đi cả đêm chẳng soi được con ếch nào, đến sáng cả hai bàn nhau bắt gà của dân ở dưới rẫy về thịt. Vô tình một người dân trong làng bắt gặp, họ báo về cho già làng và đề nghị làng phải xử phạt thật nghiêm khắc. Sau khi tiếp nhận ý kiến, già cho họp làng để tìm cách giải quyết và mọi người đều nhất trí phạt hai thanh niên trên phải đền lại cho gia đình mất gà 8 con gà khác. “Ở đây không phải là chuyện phạt nhiều hay ít mà dân làng muốn dùng những hình phạt như thế để có tính răn đe, giáo dục và lấy đó làm gương để người khác không tái phạm”- già Quý cho hay.

Nói về già làng Siu Quý, bà Kpuih Phun, một người dân trong làng, cho rằng: “Mọi việc mâu thuẫn, xích mích gì trong làng, dù lớn hay nhỏ cũng phải có già Quý tham gia giải quyết mới ổn thỏa”. Bà Kpuih Thun kể tiếp: Cách đây không lâu, thanh niên trong làng xảy ra mâu thuẫn, xô xát với thanh niên ở làng Mook Đen (xã Ia Dom) dẫn đến một thanh niên của làng Mook Đen phải nhập viện. Sự việc trên khiến cho thanh niên hai làng ngày càng mâu thuẫn, cuối cùng già làng phải đứng ra hòa giải và thanh niên làng Tung phải đền cho thanh niên làng Mook Đen 60 triệu đồng cùng một con heo, mọi chuyện mới giải quyết ổn thỏa.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với dân làng, già Quý còn chịu khó lắng nghe các ý kiến đóng góp của người dân trên tinh thần dân chủ và đưa ra những quyết định dựa trên sự nhất trí, đồng lòng của dân làng. Có lẽ, cũng chính từ cách làm việc trên tinh thần dân chủ, giải quyết các sự vụ “thấu tình đạt lý” nên tiếng nói của già luôn được mọi người kính nể.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm