Đắk Nông: Trồng thứ na lạ, ra trái "khổng lồ", ai vào vườn cũng mê tít, thương lái tranh nhau mua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cây na Thái đã tỏ ra thích hợp với vùng đất Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), mang lại thu nhập cao. Loại cây trồng này mang đến sự lựa chọn mới cho người dân trong việc chuyển đổi cây trồng.
Những ngày này, gia đình ông Trần Văn Chiên, ở thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), đang thu hoạch vườn na Thái. Những quả na từ 200g - 1 kg được ông hái xuống và phân loại, đóng gói để chuẩn bị xuất bán.

Quả na Thái được tuyển lựa và bọc từ nhỏ để phòng sâu hại, tạo mẫu mã đẹp.
Quả na Thái được tuyển lựa và bọc từ nhỏ để phòng sâu hại, tạo mẫu mã đẹp.
Đầu vụ, dù dịch Covid-19 bùng phát, nhưng 1,2 tấn na Thái của ông vẫn được thương lái đến mua tại vườn, với giá 35.000 đồng/kg. Thậm chí na loại 1 ông bán được với giá 40.000 đồng/kg.
Vườn na Thái được gia đình ông Chiên trồng trên 1,5 ha đất từ năm 2016. Ông Chiên cho biết, sau khi tìm hiểu, tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông nhận thấy na Thái có thể phù hợp với điều kiện ở địa phương.
Do đó, ông đã mạnh dạn cải tạo đất, phát triển mô hình trồng na Thái. Trước khi trồng, ông đích thân đi các tỉnh miền Tây để học tập kinh nghiệm và mua giống na Thái về trồng.
Ưu điểm lớn nhất của na Thái là ra trái quanh năm. Loại cây trồng này còn có khả năng chống hạn tốt. Na Thái rụng lá vào mùa khô, nên giảm được chi phí tưới nước rất đáng kể.
Cũng theo ông Chiên, na Thái dễ trồng, công chăm sóc nhẹ nhàng, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở Đắk Mil. Na Thái từ lúc xuống giống cho đến khi ra trái chỉ mất từ 16-18 tháng.
Trái na Thái khi chín có mùi thơm, vỏ màu vàng, da căng, trọng lượng lớn gấp 3 lần so với na thông thường, trái nhỏ nhất đạt 200g, trái lớn nhất đạt tới hơn 1 kg.

Vườn na Thái của ông Chiên, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đang cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/vụ
Vườn na Thái của ông Chiên, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đang cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/vụ
Quả na Thái thường bị sâu chích hút trong quá trình phát triển. Do đó, cần tuyển lựa và bọc khi quả còn non. Loại cây này cũng hay bị rệp sáp ở trái, ngọn, lá non, ảnh hưởng đến năng suất, nên cần thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời.
Ông Chiên cho biết, có thể chủ động thời gian ra hoa, kết trái na Thái bằng việc cắt, tỉa cành phù hợp. Bởi vì, mỗi lần cắt tỉa cành thì na sẽ phát triển chồi non và ra hoa, đậu quả.
Sau thời gian chăm sóc và theo dõi thị trường, ông Chiên nhận thấy, giai đoạn cuối năm, na Thái dễ tiêu thụ và bán được giá cao. Do đó, ông đang tính toán để tập trung vào vụ sản xuất này để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập.
Chi phí chăm sóc na Thái mỗi năm mất khoảng 40 triệu đồng/ha. Gia đình ông Chiên hiện có 800 cây na Thái, trong đó có 500 cây đã thu chính, 300 cây thu bói.
Ông ước tính năm nay sẽ thu được khoảng 14 tấn quả na Thái. Trừ chi phí, ông có thu nhập khoảng hơn 400 triệu đồng. So với nhiều loại cây trồng hiện nay, na Thái đã đem lại hiệu quả cao hơn hẳn.
Theo UBND xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), mô hình trồng na Thái của ông Chiên đang mở ra cơ hội mới để người dân chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt để nhân rộng diện tích trồng na Thái trên địa bàn.
Đức Hùng (Báo Đắk Nông/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.