Đắk Nông: Nhiều công trình gặp sự cố, gây tranh cãi đều do một công ty trúng thầu thiết kế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian qua, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt (trụ sở chính tại TP.Đà Nẵng) đã trúng thầu khảo sát, thiết kế hàng loạt dự án giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, thuỷ lợi… tại tỉnh Đắk Nông. Trong đó rất nhiều dự án lớn đang gặp những sự cố đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây tranh cãi về tính hiệu quả.

Đường trong khu dự án bị chia cắt, hư hỏng hoàn toàn
Đường trong khu dự án bị chia cắt, hư hỏng hoàn toàn

Cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài Khu công nghiệp Nhân cơ bị sụt lún nghiêm trọng
Cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài Khu công nghiệp Nhân cơ bị sụt lún nghiêm trọng
Đường sụt lún như động đất 
Dự án Hạ tầng bên trong và bên ngoài khu công nghiệp Nhân Cơ (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'Lấp, Đắk Nông) do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt làm đơn vị tư vấn thiết kế có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Nhưng đến thời điểm này dự án đã 5 lần xảy ra sự cố sụt trượt gây tốn kém hơn 75 tỷ đồng để khắc phục.

Đường giao thông trong khu vực dự án bị nứt gãy, hư hỏng hoàn toàn
Đường giao thông trong khu vực dự án bị nứt gãy, hư hỏng hoàn toàn
Hiện cơ quan chức năng đang thuê các chuyên gia tìm nguyên nhân. Dù chưa có kết luận cuối cùng, nhưng việc liên tiếp xảy ra sự cố đã làm chậm tiến độ dự án, phát sinh kinh phí, khiến ngành công nghiệp điện phân nhôm của tỉnh Đắk Nông chưa thể hoạt động do hạ tầng chưa hoàn thiện. 
Tiếp đó, dự án đường Đạo Nghĩa – Quảng Khê có chiều dài hơn 46 km, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng do Ban quản lý Dự án giao thông – dân dụng – công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Hiện nay dự án mới triển khai giai đoạn 1 (từ km 6+486 đến km 27+500) với tổng kinh phí 320 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trung ương, nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn khác. Đối với dự án này, Công ty Cổ phần Đường Việt là đơn vị khảo sát thiết kế.
Khi công trình đã cơ bản hoàn thành, vào ngày 25/8/2020, tại km 26+800 đến km 27+300 đã xảy ra các sự cố sạt lở, sụt lún mái ta luy dương, nền đường. Sự cố này tuy không làm ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường nhưng lại khiến chủ đầu tư phải móc hầu bao thêm 5,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí dự phòng của dự án để khắc phục.
"Phương án thiết kế" gây tranh cãi 
Tại Dự án Công trình phòng chống hạn hán có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 được bố trí 166 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào ngày 31/12/2020 nhưng sau đó được gia hạn đến 31/5/2021. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt tư vấn thiết kế, Công ty Cổ phần Xây dựng Đắk Lắk thi công.

Chậm tiến độ 18 tháng, đến nay dự án thủy lợi Suối đá vẫn còn ngổn ngang
Chậm tiến độ 18 tháng, đến nay dự án thủy lợi Suối đá vẫn còn ngổn ngang
Trong vụ Đông Xuân vừa qua, mốt số hạng mục của dự án chống hạn này đã tranh cãi về tính hiệu quả giữa chính quyền, người dân địa phương và chủ đầu tư. Theo chủ đầu tư, tại xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô), dự án nâng cấp 3 trạm bơm (Trạm bơm Buôn Choáh 1, 2 và 3) nhằm bảo đảm nước tưới cho 479 ha cây trồng, tăng 260 ha so với trước đây.
Nhưng UBND xã Buôn Choáh nhận thấy, sau khi nâng cấp các công trình, việc lấy nước từ tuyến kênh vào ruộng khó khăn hơn so với trước đây. "Nước không chảy về được cuối các tuyến kênh đã gây ra tình trạng thiếu nước cục bộ trên các cánh đồng, trong khi diện tích lúa năm nay tăng lên không đáng kể so với mọi năm", lãnh đạo UBND xã Buôn Choáh cho biết.
Còn dự án thuỷ lợi Suối Đá (xã Quảng Hoà, huyện Đắk G'Long) có tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng, cũng do Công ty Cổ phần Đường Việt khảo sát thiết kế. Đến nay dự án đã chậm tiến độ 18 tháng, và dự kiến đến 30/6 mới hoàn thành. Một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ là thiết kế không phù hợp. Mới đây ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã kiểm tra thực tế, làm việc với các bên liên quan và chỉ đạo: Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc khảo sát, thiết kế thiếu tính khả thi, không phù hợp với thực tiễn dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện, giảm hiệu quả dự án.

Kênh thủy lợi Suối đá nằm sâu dưới mặt đất nên gây tranh cãi
Kênh thủy lợi Suối đá nằm sâu dưới mặt đất nên gây tranh cãi
Phương án thiết kế này còn gây tranh cãi, khi một số đoạn kênh chui ngầm dưới đất, thấp hơn mặt ruộng 3m. Dù chủ đầu tư nói những diện tích này không nằm trong vùng tưới tự chảy, sau khi dự án hoàn thành thì phải dùng bơm động lực để lấy nước, điều này phù hợp với phương án thiết kế.
Tuy vậy trong đợt giám sát mới đây, ông Y Quang B'Krông, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đắk Nông vẫn nêu ý kiến: "Lần đầu tiên tôi thấy một công trình thủy lợi mà nằm sâu dưới đất như thế. Nếu khi đưa vào vận hành, hệ thống bị tắc hay gặp sự cố thì chúng ta phải xử lý như thế nào? Ngoài ra, không thể nói ruộng đồng không nằm trong quy hoạch nên không cấp nước. Kênh chạy qua ruộng mà ruộng không có nước thì rất bất hợp lý và cần phải xem lại".
Để khắc phục bất cập này, vừa qua ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo huyện Đắk G'Long nghiên cứu đầu tư thêm các tuyến kênh "xương cá", kênh phụ để đưa nước đến từng chân ruộng nhằm nâng cao hiệu quả công trình.
Theo Ngọc Giàu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.