Đắk Nông chậm xử lý tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các cấp ngành, địa phương ở tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều quyết định hành chính buộc người dân phải khắc phục hậu quả đã dựng nhà, lấn chiếm đất rừng trái phép. Thế nhưng, hiện đang có rất nhiều hộ dân không chấp hành quy định, thậm chí còn có  trường hợp còn cơi nới diện tích vi phạm. 
Lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trường hợp người dân dựng nhà trái phép trên đất rừng. Ảnh: Nam Tây Nguyên

Lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trường hợp người dân dựng nhà trái phép trên đất rừng. Ảnh: Nam Tây Nguyên

Dựng nhà trái phép trên đất rừng

Theo UBND xã Quảng Trực, đơn vị vừa tiếp nhận tin báo của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên về việc ông Nguyễn Hữu Xiêm tiến hành cơi nới, dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp.

Vào cuộc làm việc, UBND xã Quảng Trực xác định ông Nguyễn Hữu Xiêm đã dựng nhà trái phép tại lô 75, khoảnh 7, tiểu khu 1459 trên lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý.

Căn nhà ông Xiêm dựng có kết cấu khung sườn bằng gỗ, mái lợp tôn, nền gạch... với diện tích là 83,7m2 và phần hiên là 7,5m2.

Điều đáng nói, trước đó, vào ngày 23.9.2022, UBND huyện Tuy Đức đã ban hành văn bản (số 1582/QĐ-KPHQ) về việc khắc phục hậu quả vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hữu Xiêm (SN 1972), ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước). Hiện ông Xiêm đang sinh sống ở bon Bu Sóp, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.

Ông Xiêm đã lấn chiến đất lâm nghiệp là đất rừng sản xuất với diện tích là 40m2 tại lô 75, khoảnh 7, tiểu khu 1459 do Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý.

UBND huyện Tuy Đức yêu cầu ông Xiêm phải phá dỡ công trình, di dời tài sản trên đất ra khỏi vị trí 40m2 đất đã lấn chiếm và trả lại nguyên trạng ban đầu. Thời hiệu thực hiện là 30 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Thế nhưng, đến thời điểm này ông Xiêm vẫn chưa tháo gỡ, trả lại hiện trạng ban đầu. Thậm chí, lực lượng chức năng còn phát hiện ông Xiêm tiếp tục cơi nới, dựng nhà trái phép trên đất rừng do lấn chiếm mà có.

Nhiều vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm

Theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, vào ngày 21.7.2022 và ngày 15.11.2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành 3 quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi chiếm đất nông nghiệp là đất rừng sản xuất trên lâm phậm do đơn vị quản lý.

Các trường hợp buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm hộ gia đình ông Hồ Văn Riệm, Nguyễn Thanh Hường và ông Hoàng Văn Vĩnh.

Tương tự, cũng trong năm 2022, UBND huyện Tuy Đức đã ban hành 6 quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi chiếm đất nông nghiệp là đất rừng sản xuất (dựng nhà trái phép) tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên.

Các trường hợp này bao gồm hộ ông Đặng Hoàng Khanh, Chiu Nhì Múi, Nguyễn Văn Nhâm, Nguyễn Hữu Xiêm, Nguyễn Hồng Hải và Bùi Văn Giao.

Cũng theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, sau khi quyết định có hiệu lực 10 ngày buộc hộ gia đình phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: Nhổ bỏ cây trồng, di dời tài sản trên đất, trả lại đất để chủ rừng quản lý.

Về phía Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã bố trí người giao quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đến cho các hộ gia đình.

Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 4 tháng trôi qua nhưng nhiều hộ gia đình nêu trên vẫn không chấp hành việc di dời tài sản trên đất để trả lại đất cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý.

"Để tạo tính nghiêm minh của pháp luật, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đề nghị UBND huyện Tuy Đức tiếp tục chỉ đạo các vụ việc thuộc thẩm quyền và kiến nghị cơ quan thẩm quyền tổ chức cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật" - lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.