Đắk Lắk: Xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến năm 2030, diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk phát triển ổn định khoảng 40.000ha, sản lượng khoảng 790.000 tấn/năm, trong đó diện tích được chứng nhận và cấp mã số vùng trồng khoảng 26.000ha.
Đại biểu các tỉnh tìm hiểu về sầu riêng Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Đại biểu các tỉnh tìm hiểu về sầu riêng Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 1/9, Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc - “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững.

Tham dự hội thảo có gần 600 đại biểu đến các bộ, ngành Trung ương và địa phương; lãnh sự quán các nước; các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất sầu riêng.

Hội thảo là hoạt động chính trong chuỗi 12 sự kiện, hoạt động của Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ 2, năm 2024.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh cho biết huyện Krông Pắc có gần 7.200ha sầu riêng, sản lượng năm 2024 khoảng hơn 90.000 tấn.

Toàn huyện đã cấp 37 mã số vùng trồng, với hơn 2.000ha của 3.761 hộ dân. Số cơ sở được đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu được cấp mã số đang hoạt động là 18 cơ sở đóng gói. Đây là một trong những lợi thế lớn để sầu riêng của huyện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tọa đàm và giải đáp thắc mắc cùng các diễn giả về giải pháp phát triển Hệ sinh thái sầu riêng bền vững. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tọa đàm và giải đáp thắc mắc cùng các diễn giả về giải pháp phát triển Hệ sinh thái sầu riêng bền vững. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tuy nhiên, ngành hàng của huyện đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: phát triển chưa tương xứng với diện tích, tiềm năng sẵn có; quy mô diện tích nhỏ lẻ; diện tích trồng thuần thấp; tỷ lệ diện tích được cấp mã số vùng trồng còn thấp; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa nhiều; chất lượng chưa đồng đều do ảnh hưởng biến đổi khí hậu; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; sản phẩm chủ yếu chế biến thô nên chưa nâng cao được giá trị gia tăng và thiếu tính bền vững cho ngành hàng; liên kết chuỗi giá trị còn đang lỏng lẻo.

Bên cạnh đó, việc thu mua đang đối mặt với sự cạnh tranh thiếu lành mạnh; tình trạng tranh mua, tranh bán, bẻ cọc, cắt non đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Mặt khác, phía Trung Quốc đã có nhiều cảnh báo về hàng chất lượng kém, gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói, phần nào đã làm mất uy tín, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu sản phẩm.

Trước những khó khăn, hạn chế từ thực tiễn, việc tổ chức hội thảo là hoạt động thiết thực để địa phương, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, xuất khẩu sầu riêng thảo luận, kiến nghị, đề xuất những giải pháp phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, hiệu quả trong thời gian tới.

Tại hội thảo, đại biểu đã được các chuyên gia đầu ngành chia sẻ, thông tin về một số vấn đề trọng tâm trong phát triển ngành hàng sầu riêng như vấn đề phát triển sầu riêng bền vững tại tỉnh Đắk Lắk; quản lý chất lượng trái sầu riêng trong quá trình sản xuất và thu hoạch; cơ hội hợp tác trong hội chợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt tại thị trường Ấn Độ; giải pháp kỹ thuật sản xuất sầu riêng bền vững ở Tây Nguyên; những dịch hại chính trên sầu riêng và giải pháp bảo vệ thực vật ứng dụng.

Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động, thực vật của một số thị trường trọng điểm (Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…).

Chuyên gia quốc tế chia sẻ Cơ hội thị trường cho sầu riêng Việt Nam.

Bên cạnh đó, tại tọa đàm, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các chuyên gia đầu ngành, đối tác, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh… đã cùng các diễn giả tọa đàm, giải đáp thắc mắc về giải pháp, chiến lược thực tiễn để phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Hậu, Cựu giảng viên cao cấp Đại học Cần Thơ, để tháo gỡ những “điểm nghẽn” hiện nay của ngành hàng sầu riêng, cần có sự vào cuộc của tất cả các bên, gồm nông dân, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Đồng thời, phải xác định chất lượng sầu riêng là quan trọng nhất, phải xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác ở từng nơi, kèm theo năng lực, kiến thức của người nông dân thì mới có thể sản xuất ra được những quả sầu riêng chất lượng.

Các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị từ người nông dân tới nhà nước, doanh nghiệp phải có ý thức quan tâm xây dựng thương hiệu sầu riêng của địa phương nói riêng và sầu riêng Việt Nam nói chung để có thể phát triển bền vững.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, tỉnh đã vươn lên dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng của cả nước với hơn 32.700ha, diện tích cho thu hoạch sản phẩm là 15.852ha (chiếm 48,35%). Sản lượng sầu riêng năm 2024 ước đạt trên 300.000 tấn.

Tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng. Mục tiêu của đề án, đến năm 2030, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định khoảng 40.000ha, sản lượng khoảng 790.000 tấn/năm, trong đó diện tích được chứng nhận và cấp mã số vùng trồng khoảng 26.000ha.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk ngày càng uy tín, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Điều quan trọng hiện nay là cần sớm nhận diện đầy đủ những tiềm năng, cơ hội, đan xen với khó khăn, thách thức và kịp thời khắc phục để phát triển ngành hàng sầu riêng hiệu quả, bền vững.

Trong khuôn khổ hội thảo, Ban Tổ chức ra mắt bộ giải pháp trên cây sầu riêng nói riêng và rau màu nói chung, giúp người nông dân cải thiện năng suất và chất lượng.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm