Ngày 1-9, tại Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắk lần II, ban tổ chức đã bán đấu giá 3 trái sầu riêng đoạt danh hiệu "Nữ hoàng sầu riêng".
Ban tổ chức Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắk bán đấu giá 3 trái sầu riêng phục vụ công tác an sinh xã hội |
Trái sầu riêng đầu tiên đấu giá được lấy từ cây cổ thụ hơn 100 năm trồng ở đồn điền CADA, với mức giá khởi điểm 60 triệu đồng. Cuối cùng, một doanh nghiệp đã trúng đấu giá trái sầu riêng này với mức giá 350 triệu đồng.
Trái sầu riêng thứ 2 được đưa ra đấu giá thuộc giống Dona với mức giá khởi điểm là 70 triệu đồng. Đây là trái sầu riêng được lựa chọn rất kỹ từ hàng chục hộ trồng sầu riêng và trải qua quy trình lựa chọn chặt chẽ. Cuối cùng, 1 nữ doanh nhân đã trúng đấu giá với mức giá 800 triệu đồng.
Phiên đấu giá trái sầu riêng thứ 3 thuộc giống Ri6, có mức giá khởi điểm là 60 triệu đồng và rất nhiều doanh nghiệp muốn sở hữu.
Người bỏ giá cao nhất cho trái sầu riêng này là một nữ doanh nhân tại Đắk Lắk với số tiền 500 triệu đồng. Trong lúc đấu giá, bà kêu gọi một số người tham gia góp thêm tiền để cùng bà đấu giá quả sầu riêng trên, nhằm giúp địa phương có thêm nguồn lực lo an sinh xã hội. Cuối cùng, mức giá chốt trái sầu riêng Ri6 là hơn 1,4 tỉ đồng.
Như vậy, tổng số tiền bán đấu giá 3 trái sầu riêng là 2,55 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền sẽ được chuyển cho UBND huyện Krông Pắk thực hiện vào chương trình an sinh xã hội của địa phương. Người trúng đấu giá còn được tặng thêm 1 trái sầu riêng mạ vàng với tổng trị giá gần 200 triệu đồng/3 trái.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, trao trái sầu riêng mạ vàng cho người trúng đấu giá |
Sáng cùng ngày, tại Đắk Lắk đã diễn ra Hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững. Tham dự hội thảo có gần 600 đại biểu từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương, lãnh sự quán các nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất sầu riêng.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết huyện có gần 7.200 ha sầu riêng, sản lượng năm 2024 khoảng hơn 90.000 tấn. Toàn huyện đã cấp 37 mã số vùng trồng, với hơn 2.000 ha của gần 3.800 hộ dân; 18 cơ sở được cấp mã đóng gói. Đây là một trong những lợi thế lớn để sầu riêng của huyện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đắk Lắk dẫn đầu cả nước về diện tích trồng sầu riêng |
Tuy nhiên, theo bà Trinh, ngành sầu riêng của huyện đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô diện tích nhỏ lẻ, diện tích trồng thuần thấp. Tỉ lệ diện tích được cấp mã số vùng trồng còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa nhiều, chất lượng chưa đồng đều, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản phẩm chủ yếu chế biến thô, liên kết chuỗi giá trị còn đang lỏng lẻo.
Bên cạnh đó, tình trạng tranh mua, tranh bán, bẻ cọc, cắt non đã dẫn đến nhiều hệ lụy.
Tại hội thảo, đại biểu đã chia sẻ thông tin về một số vấn đề trọng tâm trong phát triển ngành hàng sầu riêng như: vấn đề phát triển sầu riêng bền vững tại tỉnh Đắk Lắk, quản lý chất lượng trái sầu riêng trong quá trình sản xuất và thu hoạch, cơ hội hợp tác trong hội chợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt tại thị trường Ấn Độ, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của một số thị trường trọng điểm...
Đắk Lắk dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết tỉnh đang dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng với hơn 32.700 ha, diện tích cho thu hoạch sản phẩm là 15.852 ha. Sản lượng sầu riêng năm 2024 ước đạt trên 300.000 tấn.
Tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng đề án phát triển ngành hàng sầu riêng. Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk ngày càng uy tín, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
"Điều quan trọng hiện nay là cần sớm nhận diện đầy đủ những tiềm năng, cơ hội, đan xen với khó khăn, thách thức và kịp thời khắc phục để phát triển ngành hàng sầu riêng hiệu quả, bền vững" - ông Văn nhấn mạnh.
Theo Cao Nguyên (NLĐO)