Đắk Lắk: Truy trách nhiệm vụ một người đàn ông được phường"cho" lấy hai vợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy, việc một người đàn ông được phường cấp 2 giấy kết hôn và “cho” lấy 2 vợ là trái quy định pháp luật. Do đó, UBND TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu xử lý công chức sai phạm.
Ngày 27/2, thông tin từ UBND TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đã có báo cáo vụ một người đàn ông được UBND phường Tân Lập (TP.Buôn Ma Thuột) cấp hai giấy đăng ký kết hôn “cho” lấy hai vợ.
 
2 giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được UBND phường cấp cho một người đàn ông lấy hai vợ. 
Theo nội dung báo cáo, vào ngày 22/2, của UBND TP.Buôn Ma Thuột, qua kết quả kiểm tra, xác minh của phòng ban chuyên môn về việc đăng ký kết hôn tại UBND phường Tân Lập.
Theo đó, việc công chức Tư pháp – Hộ tịch Nguyễn Văn Phương tham mưu cho UBND phường Tân Lập thực hiện đăng ký kết hôn cho ông N.H.T (SN 1987, trú tại phường Tân Lập), với bà Đ.T.L (SN 1987, trú thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) đã vi phạm pháp luật tại thời điểm đăng ký kết hôn về điều kiện kết hôn.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định, việc kết hôn bị cấm trong trường hợp “người đang có vợ hoặc có chồng”. Do đó, việc ông Phương tham mưu cho UBND phường thực hiện đăng ký kết hôn giữa ông T. và bà L. vào ngày 4/4/2014 khi ông T. đã đăng ký kết hôn với bà N.T.V.A vào ngày 23/12/2013 là trái quy định pháp luật.
 
UBND phường nơi xảy ra vụ việc. 
Trên cơ sở đó, UBND TP.Buôn Ma Thuột chỉ đạo UBND phường Tân Lập nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan do thiếu trách nhiệm trong tham mưu đăng ký hộ tịch và buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm của công chức Tư pháp – Hộ tịch trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở địa phương. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu UBND thành phố xử lý công chức có sai phạm.
Bên cạnh đó, UBND TP.Buôn Ma Thuột cũng chỉ đạo Phòng Tư pháp tiếp tục tăng cường chấn chỉnh UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch và các quy định khác của pháp luật có liên quan về hộ tịch, chấn chỉnh chấm dứt tình trạng đăng ký hộ tịch trái pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật về hộ tịch.
Như Báo Bảo vệ Pháp luật đã đưa tin trước đó, bà L. có đơn thư phản ánh gửi đến các cơ quan chức năng. Nội dung đơn thư cho thấy, bà và ông T. kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện, có tổ chức lễ cưới theo phong tục, đăng ký kết hôn tại UBND phường Tân Lập vào ngày 4/4/2014. Tuy nhiên, sau khi có với nhau một người con 2 tuổi, bà L. phát hiện ông T. đang chung sống với một phụ nữ khác là bà N.T.V.A. Qua tìm hiểu, bà L. biết được UBND phường Tân Lập đã cấp giấy chứng nhận kết hôn cho ông T. và bà N.T.V.A. vào ngày 23/12/2013.
Nhận thấy, việc UBND phường Tân Lập cấp giấy chứng nhận kết hôn cho mình và ông T. khi ông T. chưa ly hôn là trái pháp luật nên bà L. đã làm đơn tố cáo cán bộ tư pháp phường Tân Lập. Bên cạnh đó, bà L. cũng đề nghị UBND phường này ra quyết định hủy giấy chứng nhận kết hôn giữa bà và ông T. theo quy định. 
Nguyễn Chính (BVPL)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.