Đắk Lắk sẽ không để thiếu nguồn cung xăng dầu cho sản xuất trong mùa khô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giá xăng dầu liên tục tăng cao từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều nông dân ở tỉnh này đang lo lắng làm ăn thua lỗ và sợ thiếu nguồn cung trong thời gian tới.
Nông dân lo ngại
Chị Nay H'Nga (huyện Ea H'Leo) tâm sự: "Tôi có khoảng 3ha đất trồng cây ăn quả, tiêu. Thời điểm này đang là mùa khô nên cần mua dầu để chạy máy, tưới tiêu cho cây trồng. Tuy nhiên, giá nhiên liệu tăng cao đã khiến cho gia đình điêu đứng. Bởi, mùa này, thông thường sẽ tưới cho cây 3 đợt. Mỗi đợt tưới tầm 3 ngày 3 đêm mất khoảng 1,2 triệu đồng tiền nhiên liệu (60 lít dầu DO 0,05S-II).
Nếu tính cả tổng là hơn 3,6 triệu đồng giá nhiên liệu dành cho việc tưới tiêu, chưa kể giá phân bón, thuê nhân công... Tuy nhiên, khó có thể mua dầu dự trữ được nên tưới đợt nào tính đợt đó. Giá cả leo thang, tôi chỉ sợ khan hiếm nhiên liệu".

Nhu cầu xử dụng xăng dầu trong việc sản xuất, chăm bón nông sản của người dân Đắk Lắk đang tăng cao. Ảnh: B.T
Nhu cầu xử dụng xăng dầu trong việc sản xuất, chăm bón nông sản của người dân Đắk Lắk đang tăng cao. Ảnh: B.T
Bà Nay H'Diơr (huyện Ea H'Leo) cũng cho rằng, chi phí xăng dầu phân bón vật tư nông nghiệp tăng trong khi giá cả nông sản không tăng theo đồng bộ khiến lợi nhuận của người nông dân sụt giảm đáng kể. Nếu tình hình giá xăng dầu không hạ nhiệt mà cứ tăng đều nhưng thế này thì thật đáng lo ngại.

Giá xăng dầu tăng cao cũng khiến cho người nông dân thêm phần điêu đứng. Ảnh: B.T
Giá xăng dầu tăng cao cũng khiến cho người nông dân thêm phần điêu đứng. Ảnh: B.T
Đảm bảo nguồn cung
Ông Mai Mạnh Toàn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk - cho biết: "Thực tế nhu cầu hiện nay xăng dầu phục vụ tưới tiêu cho cây trồng của người dân trên địa bàn tăng cao trong mùa khô. Từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thực hiện đồng bộ các biện pháp cùng lúc như tăng cường thu thập thông tin, giám sát, thường xuyên kiểm tra, thực hiện ký cam kết và thông báo đường dây nóng về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Qua kiểm tra, phần lớn các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu cơ bản chấp hành thực hiện tốt quy định của Nhà nước. Về mặt khách quan, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang trải qua giai đoạn khó khăn… thậm chí có thời điểm mỗi lít xăng dầu bán ra doanh nghiệp phải chịu lỗ từ 700 đến trên 1.000 đồng nhưng các doanh nghiệp, chủ cửa hàng vẫn phải chấp nhận để chia sẻ nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân".

Nông dân có thể yên tâm khi nguồn nhiên liệu đảm bảo. Ảnh: B.T
Nông dân có thể yên tâm khi nguồn nhiên liệu đảm bảo. Ảnh: B.T
Theo ông Toàn: Qua kiểm tra, đơn vị cũng phát hiện một số ít cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm nghỉ, dừng hoạt động. Các cửa hàng này tạm nghỉ không phải găm hàng chờ tăng giá mà do có cửa hàng hoạt động kinh doanh khi nhập, mua hàng của thương nhân phân phối không có uy tín trong quá trình thanh toán. Vì vậy, đơn vị cung cấp cắt hợp đồng, phải tạm ngừng bán để tìm nguồn cung mới. Có cửa hàng khi kiểm tra hết xăng do chưa nhập kịp, nhưng còn dầu để bán.
Số ít cửa hàng kinh doanh không hiệu quả nên phải ngừng hoạt động chờ làm thủ tục để xin giải thể doanh nghiệp; cũng có cửa hàng do nhân viên và chủ doanh nghiệp bán xăng dầu mắc COVID-19 nên phải tạm ngừng bán để đảm bảo công tác phòng, chống dịch…
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, một số các cửa hàng này đã mở cửa bán trở lại.

Giá xăng dầu hiện vẫn tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: B.T
Giá xăng dầu hiện vẫn tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: B.T
Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân xuất nhập khẩu, sản xuất xăng dầu và những người phân phối chủ động nguồn hàng, không để gián đoạn nguồn cung trên thị trường; ưu tiên bảo đảm nguồn cung cho tỉnh Đắk Lắk nhằm bảo đảm phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tưới tiêu cây trồng của người dân trong thời gian tới.
Theo Bảo Trung (LĐO)

Có thể bạn quan tâm