Đắk Lắk ngăn chặn săn bắt trái phép chim yến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 1.000 hộ nuôi chim yến với khoảng 1.300 nhà yến, trải khắp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; trong đó tập trung nhiều ở thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar, huyện Ea Súp. Sản lượng tổ yến khai thác ước đạt khoảng 7 - 10 tấn/năm.

Tuy nhiên, công tác quản lý nuôi chim yến tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: việc phát triển các cơ sở nuôi chim yến chủ yếu theo hình thức tự phát, không theo quy định của pháp luật về chăn nuôi, gây khó khăn trong công tác quản lý và rủi ro trong đầu tư; tình trạng săn bắt, bẫy chim yến trái phép ở một số địa phương làm suy giảm nguồn chim yến giống, quần thể chim yến trong tự nhiên. Bên cạnh đó, việc sơ chế, chế biến các sản phẩm tổ yến trên địa bàn tỉnh chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm của nhập khẩu.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ tổ yến, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng các sở, ngành liên quan về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến trên địa bàn.

Theo công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, tiêu thụ chim yến, kịp thời tố giác những hành vi săn bắt chim yến trái phép; thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, tháo gỡ, thu hồi các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép; xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, bẫy, vận chuyển, tiêu thụ chim yến trái pháp luật; tổ chức triệt phá dứt điểm những tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, chim yến trái pháp luật trên địa bàn.

Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc kê khai cơ sở nuôi yến, đăng ký mã số cơ sở nuôi yến theo đúng quy định về chăn nuôi để phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc; triển khai xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan sang đàn chim yến; chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và chế biến các sản phẩm tổ yến tại địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp rà soát, tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy định trong quản lý nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm từ tổ yến, tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu các sản phẩm từ yến. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương, các cơ quan liên quan hoàn tất việc đánh giá công tác xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang thị trường Trung Quốc và xúc tiến mở rộng xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm tổ yến sang thị trường các nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk giao Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về săn bắt, giết, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã; trong đó có chim yến. Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Sở Y tế cần tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.