Đắk Lắk không cấm thương lái, doanh nghiệp đến thu mua nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá các loại nông sản ở Đắk Lắk - đặc biệt là sầu riêng đang xuống thấp. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã cấp tốc có các phương án xử lý, hỗ trợ bà con và tuyệt đối không "ngăn sông, cấm chợ" đối với mặt hàng này.
Ông Nguyễn Văn Nam (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) tâm sự: "Năm trước, thương lái thời điểm này đã tới tận vườn tranh nhau mua, giá từ 40 đến 50.000 đồng/kg. Còn bây giờ, tôi đợi mãi không thấy ai đến, gọi điện thoại thì họ bảo chưa biết tiêu thụ ở đâu. Tôi hỏi mấy nhà kế bên bán lẻ cho các điểm thu mua, giá chỉ 15.000 đồng/kg. Hơn 10 năm trồng sầu riêng, đây là lần đầu tôi thấy giá rớt thảm như vậy".

 
Sầu riêng huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đang đến mùa thu hoạch nhưng rớt giá thảm hại vì dịch COVID-19. Ảnh: B.T
Sầu riêng huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đang đến mùa thu hoạch nhưng rớt giá thảm hại vì dịch COVID-19. Ảnh: B.T
Tỉnh Đắk Lắk đang là ổ dịch COVID-19 của vùng Tây Nguyên với hơn 200 ca nhiễm. TP.Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị số 16 vô hình chung khiến cho việc tiêu thụ nông sản của người dân càng khó khăn hơn.
Ít tháng trước, nhiều địa phương ở tỉnh Đắk Lắk đã phải chung tay với nông dân gắng sức "giải cứu" hàng nghìn tấn bí đỏ. Và hết bí đỏ thì nay lại đến sầu riêng. Và có lẽ tiếp vòng luẩn quẩn này sẽ tiếp diễn cho đến khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát.
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk - cho hay, giống sầu riêng đang thu hoạch thuộc nhóm thực sinh, nội địa có giá trị không cao. Những năm trước, người dân địa phương bán sầu riêng được giá nhưng thời điểm hiện tại do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên đã hạ xuống thấp.
Cách đây 1 tháng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thống kê tất cả các loại hàng hóa nông sản đến mùa thu hoạch tổng hợp gửi sở tham mưu. Tiếp đó, UBND tỉnh sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công thương, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Thông tin Truyền thông những nơi có sàn giao dịch thương mại điện tử, trung tâm tiêu thụ, giới thiệu kết nối các doanh nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ cho bà con.
Hiện, Đắk Lắk có khoảng 100.000 tấn sầu riêng và gần 50.000 tấn bơ đã và đang đến kỳ thu hoạch.

 
Thương lái đến Đắk Lắk thu mua, vận chuyển nông sản đi tiêu thụ. Ảnh: N.G
Thương lái đến Đắk Lắk thu mua, vận chuyển nông sản đi tiêu thụ. Ảnh: N.G
Ngành nông nghiệp vừa qua đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo địa phương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kết nối tiêu thụ nguồn nông sản; xác định rõ các quy trình thu hoạch, vận chuyển, đóng gói như thế nào để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19.
Để tạo điều kiện để thương lái đến thu mua nông sản cho dân thì phải có quy định hết sức cụ thể về công tác phòng chống dịch lẫn lưu thông hàng hóa. Thời gian qua, huyện Krông Pắk đã lập các tổ hướng dẫn thương lái đến các điểm thu mua nhằm thực hiện việc khai báo y tế lẫn vận chuyển, phân phối nguồn hàng. Tỉnh Đắk Lắk không thực hiện ngăn cấm thương lái, doanh nghiệp đến thu mua nông sản của bà con. Nhưng tất cả phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch đã được đề ra, ông Dương nhấn mạnh
BẢO TRUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.