Đắk Lắk đặt ra nhiệm vụ xuất khẩu hơn 400.000 tấn cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 400.000 tấn cà phê trong niên vụ mới và nhiệm vụ này khá khó để đạt được.
Ngày 12-1, ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công thương - cho biết: " Niên vụ cà phê 2022-2023, Đắk Lắk tập trung nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, sẽ không tăng diện tích trồng ngoài quy hoạch và số lượng cà phê xuất khẩu đạt khoảng 420.000 tấn”.
Số lượng cà phê xuất khẩu đề ra cao như vậy là do niên vụ năm vừa qua tỉnh đã xuất khẩu khoảng 390.000 tấn. Và năm sau phải cao hơn năm trước, đó là nhiệm vụ mà UBND tỉnh giao.
Tuy nhiên, đạt được mục tiêu này rất khó khăn vì thị trường đang có nhiều biến động ngành nông nghiệp, công thương sẽ cố gắng hết sức để đạt được chỉ tiêu được giao. Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk vẫn là đơn vị chủ lực của địa phương trong việc xuất khẩu mặt hàng nông sản này".

Người dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê. Ảnh: Ngô Phương
Người dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê. Ảnh: Ngô Phương
Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk) - nhận định: "Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cà phê của đơn vị đạt 243 triệu USD, đạt 189,5% kế hoạch, cao nhất tỉnh.
Sản lượng cà phê xuất khẩu tăng cao trong năm 2022 vô hình chung gây áp lực khá lớn cho công ty bởi thị trường trong và ngoài nước đang có nhiều biến động khó lường. Giá cà phê trước đây ở mức 48.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 41.000 đồng/kg, giảm khoảng 15%.
Hiện, đơn vị nói riêng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê khác trên địa bàn nói chung vẫn đang thiếu vốn để mua hàng của nông dân.
Lãi suất ngân hàng cao gấp 3 lần nhưng vẫn khó giải ngân cho doanh nghiệp. Hoặc nếu có tiền mua thì lãi suất cao như hiện nay thì việc thu mua hàng cho người dân cũng chỉ ở mức thấp chứ không thể cao như mọi khi được. Ngoài ra, giá phân bón tăng cao đến 2 tới 3 lần khiến năng suất trồng cà phê của người dân trên địa bàn tỉnh cũng sẽ giảm khoảng 10% so với vụ mùa năm 2022".

Xuất khẩu hơn 400.000 tấn cà phê là nhiệm vụ khá khó khăn. Ảnh: Ngô Phương
Xuất khẩu hơn 400.000 tấn cà phê là nhiệm vụ khá khó khăn. Ảnh: Ngô Phương
Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay, trong thời gian tới tỉnh đã đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2021 –2025, đảm bảo 100% diện tích tái canh được sử dụng giống tốt và áp dụng đúng quy trình tái canh đã được Bộ NNPTNT ban hành.
Các địa phương, doanh nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ trong sản xuất, giảm lượng giống gieo sạ; phòng trừ dịch hại, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm; mục tiêu là giảm giá thành và nâng cao an toàn thực phẩm, đảm bảo sản lượng như mục tiêu đã đề ra.
Trên cơ sở định hướng phát triển cà phê của tỉnh xây dựng phần mềm quản lý và đào tạo nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai kế hoạch, kiểm tra giám sát sản xuất cà phê bền vững; lập bản đồ số lý lịch vườn cây, cập nhật cơ sở dữ liệu hàng năm về tình hình tái canh, cải tạo giống.
Tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, đã và đang đầu tư các dự án chế biến cà phê chuyên sâu tại Việt Nam đầu tư vào địa phương.
Theo Sở Công Thương Đắk Lắk: Sản phẩm cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến 64 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất của cà phê Đắk Lắk. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh đạt hơn 810 triệu USD, chiếm tỉ trọng 21% so với cả nước. 
Theo Bảo Trung (LĐO)

https://laodong.vn/kinh-doanh/dak-lak-dat-ra-nhiem-vu-xuat-khau-hon-400000-tan-ca-phe-1137277.ldo

Có thể bạn quan tâm