Đắk Lắk: Chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ khiếu kiện dự án đại lộ Đông - Tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

UBND tỉnh này yêu cầu cơ quan chức năng TP.Buôn Ma Thuột giải quyết sớm khiếu nại của hàng chục hộ dân thuộc diện di dời, giải tỏa tại dự án đại lộ Đông - Tây (xã Hòa Thắng).

Khu vực bố trí tái định cư cho người dân vùng giải toả tại dự án đại lộ Đông - Tây (TP.Buôn Ma Thuột). Ảnh: Bảo Trung
Khu vực bố trí tái định cư cho người dân vùng giải toả tại dự án đại lộ Đông - Tây (TP.Buôn Ma Thuột). Ảnh: Bảo Trung


Ngày 19.3, nguồn tin của Lao Động xác nhận, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo UBND TP.Buôn Ma Thuột và Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố xử lý nhanh khiếu nại của 85 hộ dân (thôn 1,2,3, xã Hòa Thắng) về việc thu hồi đất để làm đường đại lộ Đông Tây.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND TP.Buôn Ma Thuột khẩn trương xem xét, giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại của các hộ dân theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Chính quyền thành phố báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND tỉnh ngay trong tháng 3 năm 2022.

Như Lao Động đã thông tin, vừa có thêm cả chục hộ dân thuộc diện buộc phải giải toả, di dời để triển khai dự án đường Đông Tây (thôn 3, xã Hoà Thắng) liên tục khiếu nại phương án bồi thường về đất của UBND TP.Buôn Ma Thuột. Họ cho rằng, mức giá bồi thường quá thấp so với giá trị thật của mỗi lô đất (theo giá thị trường).

Các hộ dân cho rằng: "UBND TP.Buôn Ma Thuột ra các quyết định và thông báo bồi thường cho họ dựa trên Quyết định số 1600/QĐ-UBND ngày 1/7/2021 của UBND tỉnh Đắk Lắk (về việc phê duyệt điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đường đại lộ Đông Tây) chưa "thoả đáng".

Dẫn đến thực trạng việc tính giá đất bồi thường cho các hộ dân thấp hơn nhiều lần so với giá đất trên thị trường lẫn giá của các ngân hàng đang thẩm định để cho vay.

Người dân trong vùng giải toả còn mong rằng, UBND TP.Buôn Ma Thuột có phương án tái định cư cụ thể và phê duyệt tiền sử dụng đất tái định cư theo hệ số, giá bằng hoặc thấp hơn so với giá bồi thường đất ở vị trí tương đương.

Phía lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.Buôn Ma Thuột cũng thừa nhận các phương án bồi thường về đất và tài sản trên đất (nhà ở) có một số điểm chưa hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi bà con.

Trong 2 năm qua, báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh sự chậm tiến độ của dự án đường đại lộ Đông - Tây ở TP.Buôn Ma Thuột.

Ngoài ra, tại thôn 1, xã Hoà Thắng, đất của hàng chục hộ dân ở khu vực này được giải toả để làm Dự án "Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư thôn 1, xã Hoà Thắng". Mục đích của dự án là giải quyết nhu cầu tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất khi thành phố triển khai xây dựng dự án đường Đông - Tây.

Người dân khu vực giải tỏa đã nhiều lần tha thiết đề nghị UBND thành phố có phương án hỗ trợ bồi thường, bố trí tái định cư cho họ, bởi, nhiều người đã định cư lâu năm tại đó, gia cảnh khó khăn, hoàn toàn không có tài sản giá trị nào khác ngoài mảnh đất chưa được cấp sổ đỏ.


https://laodong.vn/xa-hoi/dak-lak-chi-dao-xu-ly-dut-diem-vu-khieu-kien-du-an-dai-lo-dong-tay-1025176.ldo

Theo BẢO TRUNG (LĐO)
 

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.