TP. Buôn Ma Thuột: Thêm nhiều hộ dân khiếu nại bồi thường ở dự án Đông - Tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thêm cả chục hộ dân thuộc diện buộc phải giải toả, di dời để triển khai dự án đường Đông Tây (thôn 3, xã Hoà Thắng) liên tục khiếu nại phương án bồi thường về đất của UBND TP.Buôn Ma Thuột. Họ cho rằng, mức giá bồi thường quá thấp so với giá trị thật của mỗi lô đất (theo giá thị trường).
Hàng loạt hộ dân khiếu kiện
Cụ thể, các hộ dân cho rằng: "UBND TP.Buôn Ma Thuột ra các quyết định và thông báo bồi thường cho họ dựa trên Quyết định số 1600/QĐ-UBND ngày 1/7/2021 của UBND tỉnh Đắk Lắk (về việc phê duyệt điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đường đại lộ Đông Tây) chưa "thoả đáng".
Bởi, theo quy định về giá đất của Chính phủ ban hành và nội dung của Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND ngày 10.11.2014 của UBND tỉnh Đắk Lắk (về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn) thì các cơ quan có thẩm quyền phải khảo sát giá đất trên thị trường, điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương và bảng giá đất tại thời điểm thu hồi để làm căn cứ tính hệ số điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, Quyết định số 1600 không áp dụng quy định nêu trên mà lại so sánh giữa giá đất nhà nước giai đoạn năm 2014 - 2016 với giá đất nhà nước giai đoạn 2020 - 2024 theo Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND ngày 3.7.2020 của UBND tỉnh Đắk Lắk.
Dẫn đến thực trạng việc tính giá đất bồi thường cho các hộ dân thấp hơn nhiều lần so với giá đất trên thị trường lẫn giá của các ngân hàng đang thẩm định để cho vay.
 
Một lô đất mặt tiền được bồi thường với giá quá thấp. Ảnh: Bảo Trung
Một lô đất mặt tiền được bồi thường với giá quá thấp. Ảnh: Bảo Trung
Ông T.Q.Đ (thôn 3, xã Hoà Thắng) cho biết: "Lô đất tôi đang ở có diện tích 430m2 nằm mặt tiền đường vào Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột. Trong đó, có 150m2 đất thổ cư và 280m2 đất nông nghiệp. Nếu tính cả tiền hỗ trợ tài sản trên đất và bồi thường về đất... thì tổng giá trị chỉ khoảng 3,6 tỉ đồng, thấp hơn quá nhiều so với giá thị trường.
Trước đó, vào năm 2015, Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Buôn Ma Thuột đã đo đạc và ra quyết định thu hồi đất nhưng chưa chi trả bồi thường. Nếu tại thời điểm đó được chi trả bồi thường, chúng tôi đã chấp thuận di dời và thời điểm đó giá đất chưa tăng cao như bây giờ.
Ngoài ra, tôi nhiều người dân trong vùng giải toả còn mong rằng, UBND TP.Buôn Ma Thuột có phương án tái định cư cụ thể và phê duyệt tiền sử dụng đất tái định cư theo hệ số, giá bằng hoặc thấp hơn so với giá bồi thường đất ở vị trí tương đương".
Chính quyền phản hồi ra sao?
Trao đổi với Lao Động, lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Buôn Ma Thuột thừa nhận rằng: "Thực tế, khi áp dụng Quyết định số 1600/QĐ-UBND ngày 1.7.2021 của UBND tỉnh Đắk Lắk để tính tiền bồi thường đất có phần chưa phù hợp với thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Tuy nhiên, việc phê duyệt mức giá bồi thường này đảm bảo tính tương đồng trong với các hộ dân khác ở các vùng trên toàn dự án, không thể nơi cao nơi thấp.
Theo quy định của pháp luật, đúng là phải tính giá đất tại thời điểm bồi thường. Khi hội đồng thẩm định giá của thành phố đi thẩm định lại ở xã Hoà Thắng thì xác nhận đúng là có thấp. Tuy nhiên, giá thị trường khó có thể mang ra so sánh bởi vì thiếu căn cứ, không ai khi chuyển nhượng mà ghi ra giá trị thật, thường thấp hơn. Và vùng dự án đã được ấn định nên  chẳng có giao dịch đất đai nào. 
Năm 2015, đơn vị đã đo đạc, dự thảo về giá bồi thường nhưng chưa phê duyệt phương án, chi trả tiền cho bà con vì thiếu vốn. Xảy ra sự việc này, lỗi thuộc về chủ đầu tư, đơn vị bố trí vốn giải phóng mặt bằng của dự án đường Đông - Tây. Nhiều năm nay, giá đất đã biến động rất nhiều". 
 
Khu vực bố trí tái định cư cho người dân vùng giải toả. Ảnh: Bảo Trung
Khu vực bố trí tái định cư cho người dân vùng giải toả. Ảnh: Bảo Trung
Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Buôn Ma Thuột nhấn mạnh: "Ngoài ra, đối với việc hỗ trợ tài sản trên đất khi áp dụng theo Quyết định 07 (ban hành năm 2016) về giá xây dựng nhà ở mới của UBND tỉnh cũng rất thiệt thòi cho bà con vì đến tận năm 2022 vẫn chưa có gì thay đổi. 
Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, giá đất tại khu vực bố trí tái định cư (thôn 1, xã Hoà Thắng) sẽ phù hợp với giá đất đã bồi thường cho bà con, dự kiến sẽ ở mức 5-6 triệu đồng/m2 và sẽ sớm được ban hành. Tất nhiên, nếu không đồng ý với phương án bồi thường, người dân có quyền khởi kiện ra toà".
 
Bản vẽ chi tiết phân lô đất nền khu đất tái định cư đã bị bôi xoá nham nhở. Ảnh: Bảo Trung
Bản vẽ chi tiết phân lô đất nền khu đất tái định cư đã bị bôi xoá nham nhở. Ảnh: Bảo Trung
Trong 2 năm qua, báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh sự chậm tiến độ của dự án đường đại lộ Đông - Tây ở TP.Buôn Ma Thuột. 
Ngoài ra, tại thôn 1, xã Hoà Thắng, đất của hàng chục hộ dân ở khu vực này được giải toả để làm Dự án "Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư thôn 1, xã Hoà Thắng". Mục đích của dự án là giải quyết nhu cầu tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất khi thành phố triển khai xây dựng dự án đường Đông - Tây.
Người dân khu vực giải tỏa đã nhiều lần tha thiết đề nghị UBND thành phố có phương án hỗ trợ bồi thường, bố trí tái định cư cho họ, bởi, nhiều người đã định cư lâu năm tại đó, gia cảnh khó khăn, hoàn toàn không có tài sản giá trị nào khác ngoài mảnh đất chưa được cấp sổ đỏ.
Theo Bảo Trung (LĐO)

https://laodong.vn/ban-doc/tpbuon-ma-thuot-them-nhieu-ho-dan-khieu-nai-boi-thuong-o-du-an-dong-tay-1024423.ldo

Có thể bạn quan tâm