Đại họa sâu keo mùa thu ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sâu keo mùa thu đang gây hại lớn ở Gia Lai khi hàng ngàn héc ta ngô (bắp) bị nhiễm, nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng.
 
Sâu keo mùa thu tấn công hàng ngàn héc ta ngô ở Gia Lai - Ảnh: TRẦN HIẾU
Theo cơ quan chức năng, sâu keo mùa thu là loài sâu mới, xuất xứ từ vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, ăn tạp đẻ nhiều, có tập tính di trú xa hàng trăm ki lô mét nhờ gió, tốc độ lây lan nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn héc ta ngô ở Gia Lai bị sâu tấn công. Tốc lộ lây lan đang diễn biến nhanh và khó kiểm soát.
Hàng ngàn héc ta bị hại
Chị Nguyễn Thị Loan, ở xã Chơ Long, H.Kon Chro, than: “Rẫy ngô 1 ha của gia đình tôi sắp đến thời gian trổ cờ thì bị nhiễm sâu gần nửa tháng nay. Sâu làm tổ trong nõn ngô, lan nhanh lắm. Gia đình đã đầu tư vào đây gần 15 triệu tiền giống, phân…., giờ phải mua thuốc bảo vệ thực vật để phun. Cứ mỗi lần phun tốn hơn 1,2 triệu đồng. Đã ba lần phun rồi, sâu có giảm nhưng không triệt để được. Năng suất chắc chắn sẽ rất kém, không khéo thất thu. Tôi đã định phá bỏ nhưng nghĩ tiếc của nên phun thuốc. Mong gỡ được tiền đầu tư là quá may”.
H.Kon Chro là một trong những địa phương có diện tích ngô bị nhiễm sâu lớn nhất. Ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Kon Chro, cho biết: “Sâu lây lan khá nhanh. Nếu không phun thuốc diệt sâu bệnh thì khi nở thành bướm sẽ tiếp tục gây bệnh cho các diện tích khác, rất nguy hiểm. Sâu chủ yếu tấn công cây ngô. Hiện diện tích gieo trồng ngô vụ 1 của H.Kon Chro khoảng 5.800 ha, đang trong giai đoạn 5 lá đến trổ cờ phun râu. Từ cuối tháng 5 vừa rồi, cơ quan chức năng của huyện đã phát hiện có sâu keo mùa thu gây hại cho cây trồng. Đến nay đã có hơn 1.600 ha ngô bị sâu bệnh, trong đó hơn 10 ha bị bệnh quá nặng phải cày bỏ. Chúng tôi cũng đã khẩn trương hướng dẫn cán bộ chuyên môn về tập huấn, tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng trừ. Nhưng việc giảm năng suất chắc chắn là không tránh khỏi”.
Hiện diện tích gieo trồng ngô vụ 1 của H.Kon Chro khoảng 5.800 ha, đang trong giai đoạn 5 lá đến trổ cờ phun râu. Từ cuối tháng 5 vừa rồi, cơ quan chức năng của huyện đã phát hiện có sâu keo mùa thu gây hại cho cây trồng. Đến nay đã có hơn 1.600 ha ngô bị sâu bệnh, trong đó hơn 10 ha bị bệnh quá nặng phải cày bỏ
Ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Kon Chro (Gia Lai)
Hiện sâu keo mùa thu đã lây lan ra nhiều diện tích trên địa bàn 11 huyện, thị của Gia Lai. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, hiện đã có hơn 5.500 ha ngô bị nhiễm sâu. Các huyện có diện tích ngô nhiễm sâu nhiều là Chư Prông (hơn 2.500 ha), Kon Chro và Chư Pưh (gần 1.300 ha). Tuy ngành chức năng chưa có ghi nhận về các diện tích cây trồng khác bị sâu keo mùa thu tấn công, nhưng theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, đây là loại sâu đa thực, phàm ăn và có khả năng đe dọa đến 300 loại cây trồng.
 
Sâu làm tổ ở nõn cây và lây lan nhanh chóng
Chi phí phòng chống tăng cao
Cứ mỗi héc ta ngô, nông dân phải đầu tư khoảng 12 - 15 triệu đồng với thời gian gieo trồng bình quân 105 ngày, năng suất bình quân từ 10 - 15 tấn hạt tươi/ha. Hiện giá ngô hạt tươi trên dưới 3.500 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân có thể thu lời từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Song, với tình hình sâu keo mùa thu đang lây lan mạnh trên nhiều diện tích trồng ngô ở Gia Lai, nông dân phải tốn thêm các loại chi phí khác mà vẫn đối mặt nguy cơ ngô bị giảm năng suất, thậm chí mất mùa. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ nông dân.
Theo cơ quan chức năng, sâu keo có tính kháng thuốc cao nên nếu dùng thuốc chỉ diệt được khoảng 50 - 70% và vẫn chưa có thuốc đặc trị. Trên một cánh đồng hiện có rất nhiều tuổi sâu khác nhau, từ mới nở đến trưởng thành, nên quá trình phòng, trừ gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, nhiều hộ nông dân cũng không có kinh phí để mua thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến việc chống bệnh cho cây trồng khó càng thêm khó.
Ngoài ra, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thiếu kiểm soát trong nhiều năm qua dẫn đến không ít loại thiên địch như ếch, nhái, chim sâu, các loại nhện... từ lâu đã sụt giảm nghiêm trọng về số lượng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng chống sâu bệnh phải lệ thuộc quá nhiều vào thuốc bảo vệ thực vật.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật - Sở NN-PTNT Gia Lai, cho biết tại Gia Lai, cơ quan chức năng phát hiện sâu keo mùa thu xuất hiện hại cây trồng từ tháng 4.2019, chủ yếu là ngô. Tỉnh đã có những văn bản hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng trừ tổng hợp; tập huấn, tuyên truyền... “Nông dân cần phát hiện sâu xuất hiện kịp thời để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đặc biệt, cần dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng kỹ thuật để tăng tính hiệu quả chống sâu bệnh”, ông Uyển khuyến cáo.
Trần Hiếu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.