Đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp 5 người vụ cà phê nhuộm pin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Liên quan đến vụ cà phê nhuộm pin đang được dư luận quan tâm, chiều 26-4, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo thông tin về vụ việc.
 
Ông Ngô Xuân Lộc-Chánh Văn phòng UBND tỉnh và Đại tá Lê Vinh Quy-Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, chủ trì cuộc họp báo. Cạnh đó, cơ quan điều tra cũng đưa các mẫu vật bao gồm vỏ cà phê, đá sỏi, nước pin và hồ tiêu đến buổi họp báo.
Ông Lộc cho biết tại buổi họp báo, ngoài những thông tin đã cung cấp trước đó, công an tỉnh sẽ cung cấp thêm thông tin từ Bộ Công an về vụ việc. 
Về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác điều hành, lãnh đạo, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho rằng trong vụ việc này thể hiện lỗ hổng trong công tác quản lý.
Theo ông Lộc, đến thời điểm này, dựa trên kết quả điều tra có thể khẳng định việc mua bán, đấu trộn hỗn hợp từ số lượng đầu ra, đầu vào là khớp nhau.
Số lượng ba tấn cơ sở Loan sản xuất bán xuống cho Dung, đã đấu trộn hơn 1,8 tấn. Cơ quan điều tra đã thu giữ, phù hợp khối lượng. Số còn lại Dung phi tang bằng cách trộn, đổ ở lô cao su.
Ông Lộc cũng cho biết đến thời điểm này khẳng định không có hỗn hợp nào được dùng để sản xuất cà phê.
Ông Ngô Xuân Lộc cũng thông tin đến thời điểm này, cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố vụ án, VKSND tỉnh Đắk Nông đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp năm đối tượng trong vụ án, còn việc khởi tố bị can thì còn phải có quá trình điều tra.
Các tình tiết của vụ án phải chờ kết quả điều tra, tỉnh sẽ thông tin sau.
Ông Lộc cũng khẳng định sẽ chỉ đạo cơ quan điều tra điều tra làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
 Ông Lê Vinh Quy đang thông tin sơ bộ về vụ việc.
Ông Lê Vinh Quy đang thông tin sơ bộ về vụ việc.
Trước đó, ngày 23-4, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, tạm giữ khẩn cấp năm đối tượng gồm: Nguyễn Thị Thanh Loan, Nguyễn Xuân Bảo (xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp), Phan Thị Dung (huyện Lộc Ninh, Bình Phước), Lê Thị Hồng Thơ (xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, Đắk Nông, làm nghề kinh doanh) và Trần Văn Tuấn (xã Nâm N’Jang, Đắk Song) để điều tra làm rõ hành vi sản xuất, mua bán các phế phẩm cà phê nhuộm pin nói trên.
Động tác tố tụng này được thực hiện ngay sau khi có ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm người có vi phạm.
Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Nông, thông tin về vụ việc: Ngày 15-4, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông kiểm tra và phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan  (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) đang có hành vi pha trộn hỗn hợp gồm vỏ cà phê, sỏi, đá nhỏ và nước bột pin rồi sấy khô và đóng bao.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ được 21.265 kg hỗn hợp trên đã sấy khô, đóng bao. Ngoài ra còn phát hiện thu giữ 3.998 kg đá sỏi kích thước 2-3 mm, 300 kg vỏ cà phê, 40 lít dung dịch màu đen, một cối trộn bê tông, 192 kg lõi pin, 35 kg vỏ pin được đập dập là nguyên liệu để sản xuất sản phẩm.
Mẫu vật bột pin Con Ó nghiền nhỏ
Mẫu vật bột pin Con Ó nghiền nhỏ
Bà Loan thừa nhận sử dụng vỏ cà phê, sỏi đá nhỏ và pin trộn lại với nhau để tạo ra sản phẩm trên bán kiếm lời. Quy trình nhuộm đen này do bà tự nghĩ ra.
Về mục đích, bước đầu bà Loan khai nhận việc pha chế ra hỗn hợp này để bán cho Lê Thị Hồng Thơ, trú thôn 5, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song (Đắk Nông) và thuê Trần Văn Tuấn, trú thôn 2, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song (Đắk Nông) là tài xế vận chuyển sản phẩm.

Sản phẩm sau đó được Thơ bán cho Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thảo Dung (trú khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước) để đấu trộn vào hạt hồ tiêu.

Mẫu vật vỏ cà phê.
Mẫu vật vỏ cà phê.
Từ lời khai này, ban chuyên án Công tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Dung.
Quá trình điều tra, bà Dung khai mình là giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thảo Dung (trú khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước). Thông qua Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn, bà Dung đã mua hỗn hợp trên. Sau đó chỉ đạo cho nhóm bốc vác trộn vào hồ tiêu hạt khô với tỉ lệ 2%-3% để bán kiếm lời.
 Mẫu vật đá sỏi nhỏ được trộn với cà phê phế phẩm
Mẫu vật đá sỏi nhỏ được trộn với cà phê phế phẩm
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và thu giữ chín tấn hạt tiêu khô được trộn hỗn hợp này đóng trong 360 bao. 
Ngoài ra, cơ quan CSĐT cũng thu giữ 315 bao hỗn hợp trong tình trạng đã pha trộn với vôi, phân lân, phân heo. Bà Dung khai sau khi cơ sở bà Loan bị phát hiện, nhằm đối phó với cơ quan công an, bà đã cho người pha trộn, ủ những thứ này làm phân bón để tẩu tán, tiêu hủy chứng cứ.
Rất may, số lượng tiêu tại cơ sở bà Dung đấu trộn với hỗn hợp mua từ cơ sở bà Loan đã được bắt giữ, thu hồi, chưa bán ra thị trường.
Mẫu vật được đưa đến cuộc họp báo chiều 26-4.
Mẫu vật được đưa đến cuộc họp báo chiều 26-4.
Phóng viên đặt câu hỏi có hay không cơ sở bà Loan sản xuất hỗn hợp vỏ cà phê trộn sỏi, ngâm pin từ năm 2016 mà cơ quan chức năng không biết.
Đại tá Lê Vinh Quy trả lời: Quá trình điều tra xác định bắt đầu từ tháng 1-2018 bà Loan mới làm ra sản phẩm này rồi bán cho Dung để trộn vào hồ tiêu.
Theo Đại tá Quy, quá trình điều tra đã có tài liệu chứng minh sản phẩm mà vợ chồng Loan, Bảo bán cho Tuấn, Thơ và trực tiếp Dung mua với tổng khối lượng là ba tấn.
Sau khi mua ba tấn hỗn hợp này, bà Dung đã trộn vào hồ tiêu để xuất bán với tỉ lệ 18,34% trong tổng số chín tấn hồ tiêu bị thu giữ.
Qua trình điều tra, truy bắt, Dung lo sợ nên đã đổ ra lô cao su, trộn phân lân, phân heo để phi tang vật chứng.
Đại tá Quy nói rằng về hỗn hợp bà Loan sản xuất, trong danh mục không biết gọi tên gì. Cơ quan điều tra đang tiếp tục lấy mẫu giám định, điều tra, chứng minh để trả lời.
Vợ chồng Loan, Bảo tạo ra hỗn hợp bán với giá 9.000 đồng/kg cho Tuấn. Tuấn vận chuyển bán cho Dung giá 12.000 đồng/kg.
Trước đó, từ ngày 15 đến 17-4, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49, Công an tỉnh Đắk Nông) đã phát hiện cơ sở thu mua nông sản của bà Loan đã có hành vi dùng dung dịch màu đen làm từ hỗn hợp nước với pin Con Ó để ngâm tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê cùng đá sỏi nghiền nhỏ.
PC49 Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các ban, ngành chức năng lập biên bản, niêm phong hơn 21 tấn phế phẩm cà phê (cà phê nhân nát vụn, vỏ cà phê, đá sỏi) đã được ngâm tẩm, nhuộm đen và đóng bao bì. Tại hiện trường còn có 40 lít dung dịch màu đen, 35 kg pin đập dẹp, 129 kg lõi, nắp và vỏ pin. Bước đầu bà Loan khai đã bán ba tấn phế phẩm cà phê cho một người ở Bình Phước. 
Đại Dũng (PLO)

Có thể bạn quan tâm