Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vượt qua nhiều khó khăn, cựu thanh niên xung phong Phạm Văn Oanh đã nỗ lực làm giàu trên quê hương thứ hai của mình.

Năm 1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết định, ông Phạm Văn Oanh gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về quê nhà ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương làm nông nghiệp cùng với gia đình. Thấy cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn, ông bàn bạc với gia đình rồi quyết định khăn gói vào Gia Lai lập nghiệp.

 

Mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi của cựu thanh niên xung phong Phạm Văn Oanh cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.N
Mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi của cựu thanh niên xung phong Phạm Văn Oanh cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.N

Kể lại khoảng thời gian đầu đầy gian khổ khi đặt chân đến Gia Lai, 2 vợ chồng phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi 4 người con, ông Phạm Văn Oanh không khỏi bùi ngùi.

Ngày đó, cả nhà ông hàng ngày phải ăn cơm với bắp độn và sống trong căn nhà tạm bợ. Khó khăn nhiều lúc tưởng chừng khiến ông phải bỏ cuộc, nhưng bằng ý chí của một cựu thanh niên xung phong, ông đã từng bước đưa gia đình vượt qua. Sau một thời gian làm lụng vất vả, vợ chồng ông tích cóp mua được 1 ha đất tại tổ 14 (phường Hội Phú, TP. Pleiku) và làm một căn nhà nhỏ ngay trên đó.

Sau khi mua đất, thấy người dân phát triển cây cà phê rất mạnh, ông bàn với vợ cố gắng vay mượn tiền để trồng cà phê. Bởi ông nghĩ xuất phát làm nông thì bây giờ chỉ có làm nông, chứ tìm một công việc mới phù hợp rất khó.

Nghĩ là làm ngay, ông bắt tay thực hiện với bao hy vọng. Nhưng rồi, khi vườn cà phê bước vào thời kỳ kinh doanh thì giá rớt thảm hại, có thời điểm chỉ còn 500 đồng/kg tươi. Tiền bán cà phê không đủ bù chi phí đầu tư chăm sóc nên vợ chồng ông lại phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con.

Ông chia sẻ: “Dù rất lo lắng nhưng không thể để thiếu thốn đeo bám mãi, tôi bắt đầu tăng gia sản xuất, lấy ngắn nuôi dài bằng cách nuôi heo, gà, bò, trồng rau… để duy trì đầu tư chăm sóc vườn cà phê. Một thời gian sau, khi giá cà phê bắt đầu nhích lên, người trồng đã có lãi, tôi tích lũy dần và mua thêm 2,5 ha đất gần đó để mở rộng diện tích”.

Với ý chí không ngại khó khăn, không cam chịu thất bại, sau 20 năm đến Gia Lai lập nghiệp, cựu thanh niên xung phong Phạm Văn Oanh đã có trong tay cơ ngơi vững chãi với 3,5 ha trồng cà phê xen 1.000 trụ hồ tiêu cùng đàn bò sinh sản 30 con, mỗi năm cho thu nhập ổn định 500-600 triệu đồng. 

Nhìn vườn cà phê quả sum suê sắp đến vụ thu hoạch, không ai nghĩ vườn cây này đã 20 năm tuổi, năng suất bình quân 5-6 tấn nhân/ha. Vườn hồ tiêu 1.000 trụ trồng xen cũng xanh mướt và nhiều năm liền cho năng suất cao.

Ông Oanh cho biết, để có được vườn cây như vậy, vợ chồng ông đã bỏ công chăm sóc rất nhiều, cùng với việc tích lũy kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, đặc biệt là tận dụng nguồn phân bò sẵn có để bón cho cây. Vườn cây của ông được các hội viên trong Hội Cựu thanh niên xung phong TP. Pleiku xem là vườn mẫu để học hỏi.

Không chỉ chăm lo sản xuất, làm giàu cho gia đình, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Hội Phú, ông Oanh còn giúp đỡ một số hội viên khó khăn vay tiền không tính lãi; truyền đạt kinh nghiệm làm ăn, tận tình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho các hội viên. Nhờ đó, ông đã được các cấp Hội, chính quyền ghi nhận, tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.