Cựu chiến binh Đặng Văn Hăng: Làm giàu từ mô hình đa canh, đa con

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với 4 ha đất, cựu chiến binh (CCB) Đặng Văn Hăng (thôn 4, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) đã khéo léo kết hợp việc trồng trọt và chăn nuôi để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Về thăm mô hình sản xuất của ông Đặng Văn Hăng, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là quy mô nuôi trồng khá lớn, cách kết hợp nuôi cá và trồng cây ăn quả rất khoa học. Niềm nở tiếp và giới thiệu cho chúng tôi về mô hình phát triển kinh tế của gia đình, ông nhớ lại: Năm 1985, ông rời quân ngũ rồi vào Gia Lai xây dựng kinh tế mới. Ban đầu, ông công tác tại Nông trường Cà phê Ia Blan (xã Ia Tô, huyện Ia Grai). Năm 1995, ông về thôn 4 (xã Nghĩa Hưng) khai hoang và xây dựng mô hình đa canh kết hợp với phát triển chăn nuôi. Trải qua thời gian dài mày mò tìm hướng phát triển kinh tế, ông đã thành công với mô hình này.


 

Cựu chiến binh Đặng Văn Hăng đang chăm sóc heo rừng lai của gia đình. Ảnh: L.H
Cựu chiến binh Đặng Văn Hăng đang chăm sóc heo rừng lai của gia đình. Ảnh: L.H

Rót ly trà nóng mời chúng tôi, ông Hăng tiếp lời: “Để có được mô hình kinh tế như hôm nay, gia đình tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Ban đầu, tôi cũng khá lúng túng, không biết phải trồng cây gì, nuôi con gì, sản phẩm nào được thị trường chấp nhận? Vì thế, bản thân tôi luôn trăn trở, học hỏi rồi làm theo”. Đầu tiên, ông trồng cà phê, hồ tiêu và trồng thêm các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ để vừa tăng thu nhập, vừa hỗ trợ lẫn nhau khi giá cả một số mặt hàng nông sản không ổn định. Ngoài ra, ông còn tận dụng 0,5 ha mặt nước để nuôi cá.

Bước đầu, do chưa có kinh nghiệm trong việc nuôi trồng nên ông gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả, lứa cá đầu tiên chết gần hết. Rút kinh nghiệm từ thực tế, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội CCB xã tổ chức và học hỏi thêm từ anh em, bạn bè. Nhờ vậy, với những lứa cá tiếp theo ông đã thành công. Mỗi năm, ông thu 2 vụ cá, lãi từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Tận dụng từ những thứ có sẵn trong gia đình, ông nuôi thêm heo rừng lai, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 6 tạ heo hơi, thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Với cây ăn quả, ông luôn chú ý khâu chọn giống, quan tâm cải tạo đất để cây phát triển tốt, giúp ông thu về khoảng 30 triệu đồng/năm. Hiện gia đình ông còn có 4 ha cà phê và 800 trụ hồ tiêu. Mô hình đa canh, đa con này đã mang lại cho gia đình ông Hăng nguồn thu nhập 300-400 triệu đồng/năm.

Không chỉ nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình, ông Hăng còn tích cực hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi trồng cho hội viên Hội CCB và bà con nông dân trong xã để nhân rộng mô hình, cùng nhau phát triển sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, ông Hăng còn là một hội viên mẫu mực, tích cực tham gia các hoạt động của Hội và của địa phương. Ông luôn thực hiện tốt các cuộc vận động như: Ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, xây nhà tình nghĩa, quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin...

 

Ông Phạm Quang Biền-Chủ tịch Hội CCB xã Nghĩa Hưng: “Nhờ chịu khó, siêng năng, không cam chịu đói nghèo, đến nay, gia đình CCB Đặng Văn Hăng đã phát triển được mô hình đa canh, đa con mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nhiều hội viên CCB cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Với những thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế và tích cực tham gia hoạt động xã hội, ông Hăng đã nhận được nhiều giấy khen của Hội CCB các cấp”.

Lê Hải

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.