Cuộc sống luôn là vốn quý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là tên gọi của một mô hình câu lạc bộ (CLB) mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Kông Chro triển khai hiệu quả trong 5 năm qua. Từ khi ra đời đến nay, mô hình đã góp phần kéo giảm tình trạng tự tử-điều từng được nhiều người coi là “vấn nạn” nhức nhối tại địa phương này.

Nằm cách trung tâm huyện khoảng 7 km, năm 2012, làng Tnùng 2 là một trong những “điểm nóng” của xã Ya Ma nói riêng và huyện Kông Chro nói chung về nạn tự tử trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa cha mẹ với con, vợ chồng, bạn bè với nhau… mà người trong cuộc sẵn sàng tự mình tìm đến cái chết với suy nghĩ giải thoát bản thân, để lại nhiều hệ lụy cho cả gia đình lẫn xã hội.

Trước thực trạng trên, Hội LHPN huyện Kông Chro đã quyết định cho ra mắt mô hình CLB “Gia đình hội viên phụ nữ không có tự tử” tại Chi hội phụ nữ làng Tnùng 2 với 30 thành viên nhằm kéo giảm và hạn chế số vụ và số người chết do tự tử tại địa phương. Sau này, thực hiện theo định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, CLB được đổi tên thành “Cuộc sống luôn là vốn quý”, số thành viên cũng dần nâng lên 35 người.

Một buổi sinh hoạt của CLB “Cuộc sống luôn là vốn quý” của Chi hội phụ nữ làng Tnùng 2 (xã Ya Ma). Ảnh: Mộc Trà
Một buổi sinh hoạt của CLB “Cuộc sống luôn là vốn quý” của Chi hội phụ nữ làng Tnùng 2 (xã Ya Ma). Ảnh: Mộc Trà

CLB có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động cho các thành viên, chị em phụ nữ thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời, phối hợp với Hội LHPN xã, già làng, trưởng thôn và các ban ngành, đoàn thể vận động, tuyên truyền đến từng người dân nói chung và phụ nữ nói riêng biết yêu quý cuộc sống, không để xảy ra tình trạng tự tử trong gia đình.

Chị Đinh Thị Chin-Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Tnùng 2, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “CLB sinh hoạt theo định kỳ 3 tháng/lần. Bên cạnh tuyên truyền, giải thích cho chị em hiểu về ý nghĩa cuộc sống; trách nhiệm của bản thân với gia đình; hướng dẫn cho họ cách giải quyết mâu thuẫn tốt nhất nếu xảy ra… Ban Chủ nhiệm còn lồng ghép phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Qua đó, giúp mọi người nâng cao nhận thức hơn trong việc chung tay đẩy lùi nạn tự tử”.

Chị Chin cũng cho hay thêm, nếu trước kia, làng Tnùng 2 trung bình mỗi năm có khoảng 2-5 vụ tự tử thì từ năm 2012 đến nay chỉ xảy ra 2 vụ trong đối tượng nam thanh niên (1 vụ năm 2014 và 1 vụ mới tháng 4-2017-NV). Riêng CLB cũng đã phối hợp với chính quyền, đoàn thành niên và gia đình, kịp thời phát hiện và khuyên nhủ thành công 2 thanh niên trong làng có ý định tìm đến cái chết. Hiện cả 2 đều đang sinh sống, làm ăn bình thường, thậm chí còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương.

Em Đinh Thị Hlách (SN 2000) là một trong 2 trường hợp đó. Giờ đây, khi nhớ về ý nghĩ nông cạn trước kia của mình, Hlách vẫn cảm thấy rất đỗi hối hận. Hôm ấy, vì dự đám cưới trong làng về khuya nên Hlách bị cha rầy la. Thấy cha say rượu, lại nói nhiều nên Hlách bực bội trong lòng, tính uống thuốc cỏ tự tử cho xong. Ý định của Hlách sớm bị bạn bè phát hiện và báo cho làng. “Suốt gần 1 tháng, em được gia đình, các anh chị thanh niên, phụ nữ đến khuyên răn rất nhiều. Mọi người còn lôi kéo em tham gia các chương trình văn nghệ-thể thao ở làng, xã để em vui vẻ hơn. Em biết ơn mọi người rất nhiều, nay nghĩ đến chết là em sợ lắm. Giờ em chỉ muốn đi học lại để biết thêm cái chữ nhưng vẫn chưa dám đến trường”-Hlách bộc bạch.

Sân khấu hóa về nạn tự tử là một hình thức tuyên truyền khá gần gũi và dễ hiểu với người dân. Ảnh: Mộc Trà
Sân khấu hóa về nạn tự tử là một hình thức tuyên truyền khá gần gũi và dễ hiểu với người dân. Ảnh: Mộc Trà

Sau Ya Ma, Hội LHPN huyện Kông Chro đã nhân rộng mô hình CLB này tại xã Sró (năm 2014) và thị trấn Kông Chro (năm 2015). Đến nay, các CLB đều duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả rõ rệt. Chị Đinh Thị Piay-Chủ tịch Hội LHPN xã Sró, nhận định: “CLB đã góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu số vụ tự tử trên địa bàn xã. Nhờ sự kiên trì, chịu khó và thực hiện đúng cam kết khi gia nhập CLB, các thành viên đã giúp dân làng hiểu biết hơn về giá trị của cuộc sống, của bản thân. Số thành viên CLB vì thế cũng tăng dần từ 20 lên 25 người. Năm 2015, CLB đã kịp thời phát hiện 1 trường hợp và giúp họ từ bỏ ý định tự tử; riêng 2 năm gần đây, không xảy ra vụ nào. Bà con phấn khởi và tin tưởng vào CLB lắm”.

Được biết, thời gian đến, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục thành lập thêm CLB “Cuộc sống luôn là vốn quý” ở một số cơ sở Hội nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình này trong việc chung tay cùng với Đảng bộ và chính quyền nơi đây đẩy lùi nạn tự tử trên địa bàn.

Mộc Trà

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.