COVID-19 và sự sinh tử của "kinh tế trà đá"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chúng ta đã sẵn sàng từ bỏ kinh tế vỉa hè với những hàng rong và trà đá, cà phê “cóc” hay chưa? Câu trả lời rõ ràng là chưa. Bởi một mệnh lệnh hành chính là chưa đủ mà còn cả một sự chuẩn bị có hệ thống để xoá sổ kinh tế vỉa hè hay “kinh tế trà đá”.

 

Thực hiện cứng nhắc quyết định của thành phố khiến hầu hết hàng quán phải đóng cửa. Ảnh Tùng Giang
Thực hiện cứng nhắc quyết định của thành phố khiến hầu hết hàng quán phải đóng cửa. Ảnh Tùng Giang



Khi Hà Nội ban bố quyết định cầu phải đóng cửa các quán ăn đường phố, trà đá, cà phê từ 0h ngày 16.2, Hưng- một công chức ở Cầu Giấy nhắn tin than phiền rằng: “Chỉ vài phút nữa là phải... hoãn món mình yêu thích lại - trà đá vỉa hè!”.

Trà đá vỉa hè là một nhu cầu, và để đáp ứng nhu cầu đó là cả một nền “kinh tế trà đá” với hàng triệu lao động sống, nuôi dạy con cái bằng những quán nước nho nhỏ đặt trên vỉa hè.

Năm ngoái, truyền thông đúc kết bằng mấy dòng ngắn gọn: “Không cần vốn khủng, chỉ cần làm việc từ 4-5 giờ/ngày, nhiều người vẫn kiếm được tiền triệu mỗi ngày nhờ vào kinh doanh trên vỉa hè”. Nghĩa là chỉ cần vài mét vuông vỉa hè, thu nhập của một hộ gia đình có thể lên đến cả vài chục triệu/ tháng.

Đó là sức hút kinh khủng khi mà chuẩn hộ nghèo hiện nay là thu nhập khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng. Hàng triệu lao động nhìn vào cái vỉa hè ở những trung tâm như Hà Nội, TPHCM để coi đó là cơ hội kiếm sống, đổi đời.

Dịch COVID-19 biến “kinh tế vỉa hè” thành một cộng đồng yếu thế, dễ bị lãng quên, khó có thể tiếp cận các gói hỗ trợ. Và nhóm này, dễ bị tổn thương nhất.

Một mệnh lệnh hành chính từ UBND thành phố Hà Nội ban ra: “Đóng cửa các quán ăn đường phố, trà đá, cà phê trên vỉa hè” nhằm hạn chế dịch bệnh COVID-19 tưởng chừng là một quyết định đúng, ít nhất là thời gian này, nhưng cũng nảy sinh ra quá nhiều câu hỏi.

Đầu tiên là, chưa có nghiên cứu nào khẳng định trà đá, cà phê vỉa hè là môi trường cho nguồn lây COVID-19 thì tại sao chỉ cấm đối tượng này? Nếu từ vỉa hè chuyển vào trong nhà thì có hạn chế được lây nhiễm hay không?

Trên thực tế, quy định của UBND TP Hà Nội phải được hiểu là: “Không phải cấm tất cả các dịch vụ ăn uống. Các cửa hàng, quán cà phê, thậm chí trà đá vẫn có thể hoạt động nếu tuân thủ giãn cách, phòng chống dịch”.

Điều đáng buồn là khi thực hiện chỉ đạo của thành phố, cấp quận, phường lại áp dụng cứng nhắc: cưỡng chế cấm tất cả loại hình kinh doanh ăn uống. Hệ quả là hầu hết các tuyến phố những quán ăn, cà phê đều “cửa đóng then cài”.

Một ngành kinh doanh bị cưỡng chế đóng cửa. Liệu đã có ai thống kê được ngay tại Hà Nội có bao nhiêu hộ gia đình, bao nhiêu con nguời sau Tết Nguyên đán bị cắt đi nguồn thu nhập, đồng nghĩa với việc ngay lập tức quay về dưới ngưỡng chuẩn nghèo.

Đã có nhiều đề án thay đổi “kinh tế vỉa hè” bằng cách xoá sổ nó, thay vào đó là một “kinh tế trong nhà” với hàng trăm ngàn, hàng triệu “tiểu doanh nghiệp”. Không sai khi chúng ta muốn tiến tới một đô thị thông minh, hiện đại nhưng liệu có phải lúc này? Lúc mà nỗi lo đói nghèo, hết tiền, không có gì mà ăn cũng chẳng kém nỗi lo dịch bệnh.

Để xoá bỏ kinh tế vỉa hè cần một hệ thống chính sách phù hợp với những giải pháp thiết thực chứ không phải là một mệnh lệnh hành chính với những áp dụng có phần cứng nhắc từ cấp quận, phường như hiện tại.

Hưng chưa biết khi nào sẽ được thưởng thức thứ đồ uống quen thuộc: trà đá vỉa hè. Anh có thể tạm thay vào đó bằng thứ đồ uống khác. Nhưng cho đến lúc này, kinh tế vỉa hè - nơi đóng góp không dưới 10% GDP- chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoài nằm im với cái ví rỗng và nỗi lo lấy gì để sống mấy ngày tới.

Một chính sách chỉ có hiệu quả cao nhất khi đưa đúng thời điểm. Nó sẽ phản tác dụng nếu việc thực thi cứng nhắc, thậm chí thái quá khi yêu cầu đóng cửa các loại hình kinh doanh liên quan đến hè phố, nhất là ở thời điểm sau Tết, thời điểm mà mục tiêu "kiếm sống" nghĩa là tồn tại.

Mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế” khó mang lại kết quả nếu cứ hoảng sợ. Không được chủ quan, nhưng cũng không được hoảng sợ và phải đối diện với một trạng thái “bình thường mới” mà không ai bị bỏ lại phía sau, kể cả những người bán trà đá vỉa hè.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/covid-19-va-su-sinh-tu-cua-kinh-te-tra-da-881043.ldo

Theo Linh Anh  (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Giải nhiệt cho đô thị

Giải nhiệt cho đô thị

Hầu hết các đô thị ở phía nam hiện đang rất bức bối với các ngày nắng nóng cực đoan, khi mà nhiều nơi nhiệt độ không khí ngoài đường phố có lúc ghi nhận lên đến 44 - 45 độ C.
Nghịch lý về điện

Nghịch lý về điện

Giữa mùa nắng nóng, đang phập phồng lo cúp điện vì quá tải, thiếu nguồn thì nghe đề xuất của Bộ Công Thương về việc mua điện mặt trời áp mái với giá 0 đồng.
Xây dựng thị trường lao động chất lượng

Xây dựng thị trường lao động chất lượng

Ngày Quốc tế Lao động 1-5 là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của giai cấp công nhân; khẳng định vị trí, vai trò cùng những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và người lao động (NLĐ) cho sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Hòa bình

Hòa bình

(GLO)- Tôi luôn muốn thốt lên câu ấy vì hòa bình là khát vọng muôn thuở, khát vọng ngàn đời của con người. Nó là mục tiêu, là ý chí, là giá trị vĩnh hằng mà con người hướng tới, mơ tới, nghĩ về và luôn luôn muốn nó là hiện thực.

Thành quả lịch sử

Thành quả lịch sử

Trước năm 1975 đúng 200 năm, vào năm 1775, sử gia Ngô Thì Sĩ (1726-1780) hoàn thành tác phẩm Việt Sử Tiêu Án, viết về lịch sử nước nhà từ thời thượng cổ Hồng Bàng đến giai đoạn Lê Lợi chiến thắng quân Minh.
Nhân lên niềm vui chiến thắng

Nhân lên niềm vui chiến thắng

(GLO)- Sau 49 năm giải phóng, Gia Lai đã vươn lên trở thành trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tinh thần Chiến thắng 30-4 đã được kế thừa, phát huy và nhân lên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Nâng chất lao động ngành du lịch

Nâng chất lao động ngành du lịch

Người lao động làm trong ngành du lịch đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore có mặt ở các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam đang khá nhiều. Điều này cho thấy, lao động ngành du lịch đang bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà.