COvID-19: Bệnh nhân đã hồi phục vẫn còn kháng thể sau 12 tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo các chuyên gia Nhật Bản, kháng thể vẫn tồn tại ở người từng nhiễm COVID-19 sau 12 tháng khỏi bệnh, đồng nghĩa với việc khả năng miễn dịch được duy trì trong ít nhất 1 năm.

 Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Kobe (Nhật Bản). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Kobe (Nhật Bản). (Ảnh: AFP/TTXVN)


Theo các nhà khoa học, sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 và sau khi mắc COVID-19, cơ thể con người sẽ sản sinh các kháng thể trung hòa (nAbs). Một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia Nhật Bản cho thấy sau khoảng 1 năm khỏi bệnh, kháng thể vẫn tồn tại ở những người từng nhiễm COVID-19 và mạnh lên đáng kể khi người này được tiêm 1 mũi vaccine.

Do đó, một nhóm chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu về sự tồn tại của các phản ứng miễn dịch trong 12 tháng sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhóm chuyên gia đã thu thập mẫu máu của 358 bệnh nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tất cả bệnh nhân đều sinh sống ở Nhật Bản, mắc COVID-19 từ tháng 1 đến tháng 5/2020, được đo nồng độ kháng thể vào tháng thứ 6 và thứ 12 sau khi mắc bệnh.

Các mẫu này được phân tích khả năng miễn dịch dịch thể hoàn toàn bằng phương pháp xét nghiệm miễn dịch enzyme hóa phát quang CLEIA.

Các nhà khoa học đã kiểm tra nồng độ kháng thể phản ứng miễn dịch tại vùng liên kết thụ thể (RBD) của protein đột biến (SP), protein nucleocapsid (NP) và nAbs đối với nhiều VOC và VOI. Nghiên cứu cũng nhằm xác định yếu tố vật chủ đối với sự tồn tại của phản ứng kháng thể.

Kết quả là sau 12 tháng, khả năng bảo vệ của nAbs vẫn duy trì ở mức cao trong cơ thể của 61% số bệnh nhân mắc COVID-19, dù lượng kháng thể giảm dần theo thời gian. Đặc biệt, các kháng thể này phát huy hiệu quả đối với các biến thể được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách đáng quan ngại (VOC), trong đó có biến thể Delta và Alpha.

Kết quả này phù hợp với một nghiên cứu gần đây, qua đó cho thấy khả năng miễn dịch được tạo ra sau khi mắc COVID-19 tự nhiên được duy trì trong ít nhất 1 năm.

Phát hiện của nghiên cứu trên được đánh giá là khá quán trọng bởi một số nghiên cứu cho thấy biến thể Delta có thể "vô hiệu hóa" các phản ứng miễn dịch tự nhiên sau khi mắc COVID-19 hoặc sau khi tiêm vaccine phòng bệnh.

Tuy nhiên, những người mắc COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng có khả năng bảo vệ người bệnh trước sự lây nhiễm của VOC thấp hơn và có lượng nAbs giảm nhanh hơn so với các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Nếu các nghiên cứu trước đây cho rằng một số yếu tố như béo phì, giới tính, hút thuốc có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh, thì nghiên cứu này không đề cập tới vai trò của các yếu tố này đối với sự tồn tại của nAbs 12 tháng sau khi khỏi bệnh.

Ngoài ra, nghiên cứu của các chuyên gia Nhật Bản cũng giúp lấp đầy khoảng trống trong nghiên cứu, cho rằng việc mắc COVID-19 nặng và tuổi của bệnh nhân có liên quan đáng kể tới mức độ hoạt động trung hòa sau 12 tháng.

Theo nghiên cứu, những người lớn tuổi mắc COVID-19 nặng có nhiều nAbs hơn những người cùng độ tuổi được tiêm phòng.

Lâu nay, COVID-19 được cho là thường nghiêm trọng hơn ở nam giới. Do vậy, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã kiểm tra hiệu giá kháng thể trung hòa PRNT50 - được coi là “tiêu chuẩn vàng” để phát hiện và đo lường các kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus, giữa hai giới. Kết quả là nam giới có tần suất mắc bệnh nặng cao hơn, song không có sự khác biệt đáng kể về độ mạnh của kháng thể giữa hai giới.

Nghiên cứu còn so sánh độ mạnh kháng thể của những bệnh nhân mắc COVID-19 tự nhiên và đã khỏi bệnh với những người được tiêm vaccine.

Kết quả cho thấy trung bình, sau khi tiêm mũi 1 vaccine của Pfizer, hiệu giá kháng thể trung hòa là 76, thấp hơn nhiều so với kháng thể của người bệnh đã bình phục. Sau mũi tiêm thứ 2, hiệu giá của kháng thể trung hòa tăng lên 841, cao hơn nhóm có miễn dịch tự nhiên nhờ khỏi bệnh.

Những người khỏi bệnh có hiệu giá kháng thể trung hòa là 216. Sau một mũi vaccine mRNA, con số này đã tăng vọt lên 4.678. Tuy nhiên, sau mũi vaccine thứ 2, hiệu giá kháng thể trung hòa không tăng ở những người này.

Chính vì vậy, nhóm chuyên gia cho rằng những người đã khỏi bệnh chỉ cần tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 và cần cần được tiêm vaccine (thời gian trì hoãn 6 tháng) để đạt được kháng thể bảo vệ tốt nhất.

Nội dung của nghiên cứu trên đã được đăng tải trên medRxiv và đang chờ phản biện.

Theo Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thịt cóc

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thịt cóc

(GLO)- Mặc dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo về tình trạng ngộ độc do ăn thịt cóc nhưng nhiều người vẫn chủ quan, chế biến không đúng cách dẫn đến ngộ độc, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong do không được cấp cứu kịp thời.

Bé trai 7 tuổi tử vong do sốt xuất huyết Dengue

Bé trai 7 tuổi tử vong do sốt xuất huyết Dengue

Bé trai được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng (có triệu chứng sốc, suy gan, xuất huyết tiêu hóa), sau đó chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TPHCM) song không qua khỏi.